Bình Thuận: Những người gánh thuê…

13/08/2011
Đội quân gánh thuê cảng cá Phan Thiết áng chừng đến năm bảy chục phụ nữ, đủ mọi lứa tuổi. Dù không được công nhận như nghiệp đoàn xe ba gác trước đây, nhưng họ biết cách sắp xếp, chia sẻ công việc cho nhau một cách hợp lý.

Hửng sáng, sương chưa tan, cảng cá Cồn Cà (Phan Thiết) đã ồn ào, náo nhiệt. Đập vào mắt mọi người là những đống cá cao ngất mà  lao động biển  vất vả mang về  từ khơi xa. Cả cảng cá vang rền tiếng í ới  gọi nhau của cánh bạn hàng; tiếng giục  hối  của chủ thuyền cùng những tiếng chân chạy thậm thịch của  người gánh cá thuê… Phần đông người gánh cá thuê tại Cảng cá Cồn Chà đều có chung hoàn cảnh khốn khó phải lăn lóc kiếm sống bằng nghề nặng nhọc. Nhìn các chị gánh trên vai nhưng vĩ cá, sọt mực chạy thoăn thoắt trông rất chi hỗn loạn, nhưng ít ai biết, cũng giống như nghiệp đoàn xe ba gác trước đây, đội quân gióng gánh ở cảng đã hình thành một quy định bất thành văn  là ai đến sớm nhất thì được xếp “tài nhất”, cứ thế lần lượt cho đến người sau cùng. Ngoài việc đến sớm xếp hàng, các chị còn  quy ước, người nào phát hiện ghe thuyền cặp vào cảng đầu tiên và “hò” (gọi ghe) lên trước thì người  đó sẽ được gánh đầu tiên.

Chị Trần Thị Gái (50 tuổi) nhà ở gần cầu 40, xã Tiến Lợi, có thâm niên nghề gánh thuê tương đối lâu. 15 tuổi chị đã xuống cảng làm nghề gánh cá, nhờ vậy so với các chị em khác chị có nhiều mối hơn, phần khác, chủ thuyền, bạn hàng cũng  thương cảm hoàn cảnh của chị. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau dưới mái nhà tranh, nên con gái chị mới 16 tuổi cũng bỏ học theo chân mẹ tiếp nối nghề gánh cá thuê. 3h sáng mỗi ngày, mẹ con chị  đèo nhau xuống cảng bắt đầu cuộc mưu sinh. Tùy vào đoạn đường gần hay xa, chị sẽ được chủ hàng trả dao động từ 2.000 – 4.000 đồng cho mỗi gánh. Khác  với nhiều người, chợ vãn là hết việc, chị Gái  chuyển sang kéo cá bằng xe kéo cho  những ghe thuyền cặp  cảng muộn, đến trưa. Chiếc xe kéo ấy cũng chính là chiếc “cần câu cơm” quý giá mà chị phải vay tiền góp mới sắm được. Công việc kết thúc lúc 4 – 5h chiều, cũng là lúc mẹ con chị trở về nhà lo buổi cơm chiều.  Làm việc cật lực cả ngày, hai mẹ con cũng chỉ ngót nghét được hơn 100 nghìn đồng. Với số tiền này phải chắt bóp dè xẻn nhiều năm lắm, mẹ con mới có thể sửa lại mái nhà dột. Chị Lê Thị Trung (40 tuổi), nhà ở Văn Thánh dáng người, bé nhỏ, da đen nhẽm, có biệt danh là Trung “đen”,  hoàn cảnh còn bi đát hơn. Dòng đời nghiệt ngã lần lượt cướp mất của chị hai người chồng, để lại chị một đứa con đỏ hỏn. Sinh em bé chưa bao ngày, chị  phải xách đồ nghề xuống cảng mưu sinh, gửi con  cho mẹ già gần 80 tuổi trông ngó.

Quanh năm suốt tháng, bất kể mùa mưa hay mùa nắng,  những người gánh cá, tất tả ngược xuôi, lấy bến cảng nồng mùi  cá này để kiếm sống.

Có người bám víu ở đây cho đến khi sức cùng lực tận, rồi con cái họ lại tiếp bước theo nghề. Và cứ thế, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn như một vòng quay nghiệt ngã cứ từng ngày gieo lên những mái đầu.

Nắng mỗi lúc một lên cao, những gánh cá trĩu nặng  đã được các chủ hàng mang đi, cảng cá trở nên vắng lặng. Những người đi gánh cá  lại bước quanh bến cảng  nhặt nhạnh những con cá nhỏ rơi rớt lại.Nhiều người trong họ mang những con cá nhỏ ấy về nhà làm thức ăn cho  bữa cơm đạm bạc.

Theo baobinhthuan online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video