Bình Thuận: Phát huy vai trò của phụ nữ trong sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế

30/06/2020
Gần đây, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh này đã được các cấp, các ngành tỉnh Bình Thuận phối hợp với Hội LHPN tỉnh thực hiện nhằm giúp phụ nữ tự vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định khả năng của mình.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh tham quan các sản phẩm trưng bày tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2019

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được xem là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Gần đây, hoạt động này đã được các cấp, ngành phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh quan tâm, thực hiện nhằm giúp phụ nữ tự vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định khả năng của mình.

Ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu, như: Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; tranh thủ chương trình, đề án để đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; nghiên cứu, khảo sát khả năng, nhu cầu của phụ nữ và khai thác các nguồn lực hỗ trợ để vận động xây dựng, thành lập các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm…

Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận

Cùng với đó, thực hiện phong trào “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, giai đoạn 2017 - 2020”, các cấp Hội đã chủ động triển khai các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, khảo sát nắm chắc số hộ phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, tập huấn, nâng cao kiến thức quản lý các nguồn vốn cho cán bộ Hội, tổ trưởng các tổ vay vốn, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ. Một trong những giải pháp có tính sáng tạo của các cấp Hội là huy động vốn nội lực trong lực lượng phụ nữ giúp nhau không lãi, tham gia các loại hình tiết kiệm giúp phụ nữ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Các cấp Hội đã có nhiều giải pháp, hình thức giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tích cực chủ động huy động các nguồn vốn: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo… với tổng số vốn trên 2 tỷ đồng cho 58.636 trường hợp vay. Khai thác từ Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai Dự án “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ - Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” tại huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Thuận Bắc với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Phối hợp mở 1.923 lớp tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật cho 89.339 phụ nữ; phối hợp tổ chức 653 lớp đào tạo nghề cho 16.305 lao động nữ, sau học nghề có việc làm 4.306 lao động.  Kết quả, từ năm 2015 - 2020 có 2.515 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, nhiều điển hình phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các sản phẩm trưng bày tại “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2019

Đặc biệt, thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhiều ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh được hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - Lê Thị Hải Yến cho biết: Tổ chức Hội cũng có nhiều giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng ý tưởng sáng tạo khởi sự, khởi nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể… qua các mô hình kinh tế. Đến nay các mô hình này đều phát huy hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, từng bước giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như mô hình của chị Lê Thị Nguyện - Hợp tác xã thanh long Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc); chị Hồ Thị Ngọc Nhân - Sản xuất vật liệu xây dựng gạch không nung (huyện Hàm Tân); chị Phạm Thị Thanh Hoài - Nuôi cá chình lồng bè (huyện Đức Linh)… Các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, tổ liên kết của hội viên gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ tốt sản phẩm.

Mô hình nuôi cá chình lồng bè của chị Phạm Thị Thanh Hoài, huyện Đức Linh

Mặt khác, hàng năm, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Phòng Lao động, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân... tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng để xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo nghề. Trong đó, quan tâm các đối tượng là phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ trong diện có đất sản xuất chuyển đổi mục đích sử dụng, hộ gia đình chính sách... Công tác tuyên truyền, tư vấn được hội quan tâm chú trọng nên đa số phụ nữ đều lựa chọn học các nghề phù hợp, thiết thực, đáp ứng các ngành nghề sẵn có tại địa phương. Các nghề chủ yếu được đào tạo cho chị em như: May công nghiệp, nữ công gia chánh, dinh dưỡng, kỹ thuật trồng rau sạch, chăn nuôi, thú y, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật trồng và chăm sóc khai thác cây cao su...

Ngoài các hoạt động hỗ trợ trên, Hội LHPN tỉnh cũng quan tâm đến việc giúp chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Theo đó, hoạt động ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội được chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Tại thời điểm 31/12/2016, dư nợ Hội LHPN tỉnh quản lý là 861,287 tỷ đồng/42.273 người vay; đến 31/5/2020, dư nợ Hội LHPN tỉnh quản lý là 1.100,047 tỷ đồng/40.018 người vay (tăng 238,760 tỷ đồng so với năm 2016) với 15 chương trình tín dụng. Song song với đó, việc quản lý và thu hồi nợ quá hạn luôn được các cấp Hội coi trọng; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác luôn được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo nguồn vốn đến với các hộ vay đều được sử dụng đúng mục đích, không để xảy ra tình trạng vay ké hay chiếm dụng vốn…

Trong thời gian tới, để giúp phụ nữ địa phương phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, các cấp Hội sẽ tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có sinh kế, thu nhập ổn định; quan tâm tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ và hỗ trợ tối đa cho phụ nữ tiếp cận kiến thức, vốn phục vụ khởi nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ hội viên mạnh dạn xây dựng, cụ thể hóa ý tưởng sản xuất, kinh doanh thông qua các hình thức kinh tế hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; tiến hành rà soát, đánh giá thực chất các mô hình, rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng, duy trì những mô hình thực hiện có hiệu quả, đồng thời xây dựng những mô hình mới, ngày càng hướng đến những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, lựa chọn những mô hình hiệu quả và ý tưởng khởi nghiệp khả thi để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng.

binhthuan.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video