Bình yên dưới mái nhà - Hành trình kiếm tìm không đơn độc

19/07/2022
Bình yên với ý nghĩa không có bạo hành, là tôn trọng, sẻ chia, là yêu thương, vun đắp… Bình yên dưới mái nhà tưởng mãi sẽ chỉ là giấc mơ vời xa đối với những người đàn bà tủi cực từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng giờ đây, đã có những bàn tay từng rớm máu bởi bạo hành đã chạm tới được ước mơ. Trong hành trình ấy, họ đã nhận được sự trợ giúp, đồng hành, giúp họ nghĩ khác đi, thay đổi tư duy, nhận thức, thay đổi cuộc đời...
Các cặp vợ chồng cùng nhau viết ra những ước mong những điều có được trong mái nhà mơ ước của mình

Đó là những kết quả ý nghĩa của Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Yên Bái phối hợp thực hiện tại hai xã Bình Thuận và Minh An, huyện Văn Chấn (từ tháng 10/2019 - 9/222).

Bài 1: Giấc mơ có thật dưới mái nhà

Tủi cực và câm nín

Chị Triệu Thị V - dân tộc Dao ở xã Minh An là người đàn bà đã một lần đò, một nách mấy đứa con thơ dại. Chị đi bước nữa với anh Nguyễn Văn H và sinh thêm đứa con chung, cuộc sống bộn phần thiếu thốn, hai vợ chồng vỏn vẹn chỉ có 2 triệu đồng làm vốn. Chồng chị sinh thêm thói hư, tật xấu, những trận cãi vã nảy nổ và những cái tát, cú đạp trút lên thân thể chị không xót thương. Quần quật sớm tối làm ăn bươn bả với chồng nhưng đồng tiền làm ra, một tay anh quản chặt. Có bận ngửa tay xin tiền chi tiêu cuộc sống, chị chỉ “được” nhận về trận bạo hành. Dần dần, trước cả những điều ngang tai, chướng mắt của chồng, chị cũng không dám hé răng nửa lời vì sợ bị chông bạo hành hoặc chửi mắng, xúc phạm có khi tới cả gia đình chị. Ngay cả khi anh chị đã vượt qua khó khăn, kinh tế gia đình phát triển, thuê được một số lao động làm công cho nhưng thói bạo hành vợ của anh thì chả hề thay đổi, không ít lần chị phải chạy trốn khỏi nhà để thoát khỏi cơn thịnh nộ của chồng.

Trốn chạy và cấu cứu

Chị V nhớ lại, hôm ấy, ở lán công trình xa nhà, chị xin tiền chồng chi dùng cho nhu cầu tối thiểu của người phụ nữ trong tháng, chồng chị đáp lại cục cằn: “Lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ đến tiền, làm ăn thì không lo”.Tủi cực, chị liều bảo chồng: “Anh mà cứ tính thế không thể ở được với nhau thì bỏ nhau đi”. “Chỉ câu một, câu hai sau đó là anh ý đánh mình trước mặt rất nhiều công nhân. Mọi người cũng không can nổi. Mình phải chạy trốn, chờ cho đến lúc chồng đưa công nhân đi làm, mới dám quay lại lán lấy quần áo, mang theo con, về nhà” -  nhắc nỗi đau xưa, nước mắt chát mặn chảy dài trên gò má xạm bởi nắng mưa, vất vả của chị.

“Phấn ơi, cứu chị với, chị bị chồng đánh, giờ vẫn đi tìm chị đánh tiếp, chị đang ở…” – Đó là một lần khi bị anh đánh, trốn ở nhà hàng xóm, chị gọi điện cho cán bộ Hội phụ nữ xã. Chị Lò Thị Phấn bây giờ là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, là thành viên của Tổ phản ứng nhanh xã Minh An. Nhận cuộc điện thoại cầu cứu, Phấn không nghĩ được gì nhiều, bỏ ngang công việc, tìm chị V. Hai chị em vừa tính đưa nhau tạm lánh thì bị chồng chị V phát hiện ra gầm lên quát tháo: “Mày đưa vợ tao đi đâu. Mày không được đưa vợ tao đi đâu hết, không tao đánh”. Nhưng thái độ mạnh mẽ và hành động dứt khoát của người cán bộ Hội phụ nữ xã khiến người đàn ông ấy không dám làm liều. Hôm ấy, chồng chị V lảng vảng gần nhà Phấn, có ý dọa dẫm, ngăn cản sự giúp đỡ của Phấn với vợ mình.

Chị Phấn chia sẻ: “Mình cùng các thành viên trong tổ phản ứng nhanh tìm cách đảm bảo an toàn cho nạn nhân và răn đe người chồng. Ngôi nhà của gia đình mình nhiều lần trở thành nhà tạm lánh cho các chị em. Những người đàn ông trong cơn thịnh nộ ấy thường có hơi men, luôn có thái độ gây gổ và rất có thể dám làm liều. Nhưng mình không thể vì sợ mà không trợ giúp họ. Hơn nữa, mình áp dụng các kiến thức được tập huấn vào để xử lý trong từng trường hợp làm sao để trợ giúp nạn nhân được tốt nhất”.

Các thành viên CLB “Gia đình hạnh phúc – Vun đắp yêu thương” được cùng nhau chia sẻ nhiều điều ý nghĩa và trải nghiệm niềm vui trong các buổi sinh hoạt

Chạm tới “cánh cửa” bình yên

Hôm nay, nhắc về chồng, vẫn lặng lẽ giọt nước mắt lăn rơi nơi gò má xạm nắng mưa của chị V nhưng đó là nước mắt của niềm hạnh phúc. “Không còn cái tát, cú đá nào nữa. Anh chuyển hẳn việc tay hòm chìa khóa sang cho vợ. Anh giặt giũ quần áo, về trước vợ thì cơm nước, những lúc không đi làm ở ngoài thì cùng vợ làm việc nhà. Anh ấy thậm chí còn biết nói lời xin lỗi và yêu thương với vợ”. Chị V nói mà cứ ngỡ mình đang mơ. Chị cho biết, sự đổi thay ấy khởi nguồn từ khi chị tham gia nhóm đồng đẳng nữ, còn anh là thành viên của nhóm đồng đẳng nam trong Câu lạc bộ “Gia đình chung sức - vun đắp yêu thương” được Dự án Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thành lập ở xã Minh An.

Bản thân chị thay đổi, suy nghĩ của chị thay đổi. “Là phụ nữ, làm việc có nhiều đến mấy cũng không bằng chồng; chồng quản lý kinh tế thì mình đỡ phải lo, xin tiền chồng cũng được; mình kém cỏi so với chồng khi hơn tuổi chồng… Những suy nghĩ như thế đã tồn tại bao năm qua trong mình. Tham gia câu lạc bộ Đồng đẳng đã giúp mình hiểu rằng ai cũng có giá trị riêng, mình không đáng bị phải chịu những trận bạo hành như thế; không ai có quyền xâm phạm bản thân mình, mình có quyền bình đẳng với chồng”. Chị cũng hiểu hơn quyền được bảo vệ thân thể của mình cùng những kỹ năng để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho con trong tình huống bị bạo lực. Chị còn được trang bị kỹ năng trong giao tiếp với chồng để tránh xung đột… “Bản thân mình cũng cần có những thay đổi trong giao tiếp, biết cách bày tỏ suy nghĩ với chồng để được hiểu và chia sẻ”.

Còn chồng chị, ban đầu anh từ chối tham gia nhóm, cán bộ Hội Phụ nữ vận động mãi, thuyết phục mãi, anh nhận lời tham gia một cách miễn cưỡng, không hào hứng. Chẳng ngờ khi là thành viên, anh học được bao điều ý nghĩa. Anh được hiểu hơn những vấn đề về tâm lý, tinh thần có liên quan đến hành vi bạo lực; nhìn nhận lại hành vi bạo lưc và được nhận diện rõ hơn những điều được và mất  trong gia đình khi dùng bạo lực… Anh cũng được học cách cách kiểm soát cảm xúc, khống chế những cơn nóng giận có thể phát sinh bạo lực, thực hành những cách bộc lộ cảm xúc an toàn… “Giờ vợ chồng xảy ra tức giận nhau, mình sẽ dừng tranh luận, bỏ đi trong 30 phút, cho cơn giận dữ đi qua” - anh chia sẻ việc thực hành kiểm soát cơn giận dữ. Anh cũng hiểu thêm rằng muốn mối quan hệ vợ chồng thay đổi tích cực, thì trước hết phải thay đổi từ chính bản thân mình…

“100% thì chưa được, nhưng anh ấy đã thay đổi 99% rồi” - giây phút sẻ chia của chị trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Đồng đẳng đã lan tỏa thêm niềm hạnh phúc cho các thành viên khác về một giấc mơ có thật dưới mái nhà.

 

Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh tại 2 xã Minh An và Bình Thuận. Các thành viên tổ phản ứng nhanh đã thực hiện gần 400 lượt thăm hộ gia đình nạn nhân hoặc nắm thông tin qua điện thoại; hòa giải thành công 31 cuộc xung đột xảy ra tại địa bàn; lập kế hoạch và danh sách đề xuất hỗ trợ 270 trường hợp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.

Dự án đã thành lập 1 nhóm đồng đẳng nam và 1 nhóm đồng đẳng nữ với 34 thành viên tại xã Minh An. Các thành viên được tham gia 5 cuộc tham vấn để cảm thấy an toàn khi chia sẻ về sang chấn của họ và được cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ và giúp nam giới biết chế ngự các tác nhân gây bạo lực; 12 buổi sinh hoạt hàng tháng nhằm nâng cao nhận thức về tác động của sang chấn tới trẻ em và giao tiếp phi bạo lực, thúc đẩy đối thoại và học hỏi.

Dự án hỗ trợ thành viên nhóm nữ hơn 300 triệu đồng cho sinh kế gia đình, giúp phụ nữ tự chủ hơn về kinh tế và tự tin hơn trong cuộc sống. 

Hạnh Phạm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video