Bước đầu của công tác lồng ghép giới trong hoạch định chính sách

18/10/2004
Ngày nay, ở Việt Nam, nhận thức giới vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ vẫn mang đặc tính gia trưởng, làm cho phụ nữ trở nên phụ thuộc và thứ yếu trong gia đình.

Để giải quyết tình hình bất bình đẳng và nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bình đẳng nam nữ đã được đưa vào các chính sách, luật pháp, chương trình hoạt động của nhà nước một cách có hệ thống. Điều đó được thể hiện trong hiến pháp năm 1946: mọi công dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, dù là nam hay nữ đều có quyền bình đẳng như nhau trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội... Quyền của phụ nữ được thể hiện rõ trong nhiều văn bản pháp luật, như luật Lao động, luật Hôn nhân và Gia đình... Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành những nghị quyết, chỉ thị thể hiện sự cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (như Nghị quyết 04 -NQ/TW; Chỉ thị 37 -CT/TW) và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia VSTBPN đến năm 2010.

Mặc dù đã có các chính sách và cơ cấu thể chế hỗ trợ bình đẳng giới, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều trở ngại đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác hoạch định và thực hiện chính sách. Các nỗ lực của Việt Nam (trước đây do Hội LHPN Việt Nam khởi xướng) thường mới chỉ tập trung chủ yếu vào các vấn đề của phụ nữ và nhìn chung, chưa giải quyết được các vấn đề liên quan tới cơ chế, mang tính chiến lược, những nguyên nhân sâu xa gây nên bất bình đẳng giới.

Trong nhiều thập kỷ qua, trên thế giới, nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới đã có nhiều phương pháp tiếp cận được đưa ra như Phụ nữ trong phát triển (WID), Phụ nữ và Phát triển (WAD), Giới và phát triển (GAD). Tuy nhiên các biện pháp này chưa giải quyết triệt để tình trạng bất bình đẳng giới.

Để khắc phục bất cập đó, phương pháp tiếp cận lồng ghép giới (LGG) đã ra đời. Tại Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ được tổ chức năm 1995 tại Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế nhất trí coi LGG là biện pháp chiến lược nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Theo định nghĩa của LHQ "Lồng ghép giới là một biện pháp chiến lược, theo đó, những mối quan tâm và thực tiễn trải nghiệm của phụ nữ cũng như nam giới trở thành một khía cạnh không tách rời của quá trình thiết kế, thực thi, giám sát và đánh giá các chính sách, chương trình trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, nhằm bảo đảm rằng phụ nữ và nam giới được thụ hưởng một cách bình đẳng và giảm dần tình trạng bất bình đẳng”.

Hiện nay ở nước ta đã có một số cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế tiến hành thực hiện lồng ghép giới thông qua các chương trình hợp tác đa phương và song phương với Chính phủ Việt Nam. Cụ thể là dự án UBQG-UNDP-Hà Lan VIE/01/015: “Giới trong chính sách công”, đã được chính phủ Việt Nam phê chuẩn mà UBQG là cơ quan điều phối và thực hiện (bắt đầu từ tháng 2/2002).

Một trong những mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực của bộ máy quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Hàng loạt hoạt động đã được thực hiện trong khuôn khổ mục tiêu này. Đặc biệt phải kể đến việc biên soạn tài liệu hướng dẫn LGG và giáo trình dành cho giảng viên tập huấn LGG của UBQG, đây là bộ tài liệu đầu tiên về LGG ở Việt Nam. Bộ tài liệu này đã được sử dụng rộng rãi trong các lớp tập huấn về LGG từ TW đến các cấp tỉnh thành do UBQG tiến hành.

Hoạt động thử nghiệm LGG vào quá trình hoạch định chính sách đã được tiến hành ở tỉnh Trà Vinh. Chuyên gia LGG của UBQG đã trực tiếp làm việc với Ban lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở ban ngành và chuyên gia kinh tế trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển của tỉnh Trà Vinh. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của việc LGG trong thực tiễn, nhưng cũng cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan, hy vọng sẽ trở thành trường hợp điển hình để các tỉnh khác có thể khảo cứu áp dụng phương pháp này trong kế hoạch phát triển của các địa phương.

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng vẫn còn nhiều việc phải tiến hành để đạt được bình đẳng giới một cách thực sự bởi các giá trị và quan niệm trong xã hội vẫn là những rào cản chính đối với mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Thúy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video