Bước qua thân phận “không tên”

27/08/2012
Chị Bàn Thị Hồng, dân tộc Dao Tiền ở tỉnh Hoà Bình, không những nỗ lực để được “có tên” mà còn ghi danh vào bảng vàng những phụ nữ có nhiều đóng góp tích cực cho hạnh phúc cộng đồng.

Thể lệ cuộc thi “Những tấm gương Phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”

Từ hôn ở tuổi 13

Sinh năm 1953, “Con Út” (tên ngày nhỏ của chị, theo phong tục người Dao Tiền căn cứ vào thứ tự sinh) của gia đình 3 gái, 2 trai, rất được tía mạ (bố mẹ) yêu quý. Đã 8 tuổi rồi mà vẫn lẵng nhẵng bám gấu váy mẹ để đòi… ti. Chị gái cả Bàn Thị Kim Phúc, lúc đó đã là một cán bộ tỉnh Hội Phụ nữ, sợ em hư nên bàn với tía mạ cho “Con Út” đi học. Tại trường thiếu niên dân tộc nội trú, “Con Út” lần đầu tên được có tên Bàn Thị Hồng, khởi đầu cho một quãng đời can đảm bước qua số phận “không tên” của một phụ nữ Dao Tiền.

Con đường học hành đang trôi chảy, đùng một cái, tía mạ gọi về lấy chồng. Về đến nhà, gia đình nhà trai đã sắm sanh đầy đủ lễ vật, trâu bò, lợn gà mang sang nhà gái để đón cô dâu 13 tuổi. Cô bé Hồng ham học lắm, nhưng cũng không dám phản đối, chỉ mong ngóng chị cả sớm về can ngăn. Quả nhiên, hay tin, chị cả đã về xin với hai họ hoãn đám cưới vì lý do cô dâu còn quá bé, vi phạm luật nhà nước. Trong lịch sử người Dao Tiền, chưa bao giờ có một sự từ hôn như vậy. Nhưng hiểu ra, nhà trai ngậm ngùi chấp nhận. Sáng hôm sau, để tạ lỗi, nhà gái cử 15 thanh niên trai tráng gánh lễ vật, đưa đoàn nhà trai về tận nhà.

Vượt núi, tìm đường đi học

Sau đám cưới hụt, giận con, tía mạ nhất quyết không cho đi học, giữ ở nhà làm nương, đợi lớn gả chồng. Viện cớ đau bụng, một sáng chị không lên nương, vẫn nguyên bộ váy vá trên người, băng qua 3, 4 dãy đồi núi, tìm đường đến nhà chị gái, nài nỉ cho đi học.

Nhìn thấy Hồng, thầy hiệu trưởng từ chối ngay vì đây là trường dành cho thanh niên. Nhưng khi nhìn sự khao khát học tập trong đôi mắt đen láy của cô bé, thày đã đồng ý. Vào trường, vừa đi học vừa chăm sóc đàn gà tăng gia, rồi phụ bếp, nhưng chưa buổi nào cô vắng lớp, quên bài. Cái tết đầu tiên ở trường, nhớ nhà quay quắt, nhưng Hồng không dám về vì sợ không được đi học tiếp. Cô tốt nghiệp lớp 10 với hành trang là 3 năm Chiến sĩ thi đua, lớp trưởng, bí thư chi đoàn xuất sắc.

Bó mía, luyện tay mổ

Hồng thi đỗ vào 2 trường Đại học Nông nghiệp và Đại học Sư phạm Việt Bắc. Nhưng mê ngành y nên cô lại xuôi Hà Nội ôn thi tiếp và trở thành sinh viên trường Đại học Y Bắc Thái. Học xong, chị về bệnh viện tỉnh công tác, sau 2 năm đã được đề bạt là Chủ nhiệm khoa sản và được cử đi học chuyên khoa cấp I ở Hà Nội. Để có tiền trang trải cuộc sống, trong những chuyến về thăm nhà, chị mua mía tím ở Hoà Bình xuống Hà Nội bán. Nhiều người thời ấy hẳn chưa quên cô gái ngồi bán mía ở Ngã Tư Sở mà không hề biết róc mía, toàn nhờ khách róc hộ. Nhưng các thày cô giáo ở khoá chuyên khoa cấp I năm đó vẫn kể với nhau câu chuyện về một sinh viên có đôi tay mổ sản rất khéo, trong một ca mổ, chỉ có 3 mũi khâu cuối cùng, đã lăn đùng ra ngất xỉu vì hạ đường huyết. Phải đến lúc đó, các thầy cô mới biết, cô trò cưng của mình thường xuyên nhịn ăn sáng lên lớp vì không có tiền.

 

Thắp khát vọng với học hành

Thay tin sắp được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình, chị đã cùng chị cả đạp xe trong đêm mưa đến từng nhà đồng chí lãnh đạo tỉnh để … từ chối. Nhưng trọng trách vẫn cứ tìm đến. 8 năm làm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình và 10 năm trong vai trò Chủ nhiệm Uỷ ban DS&KHHGĐ tỉnh, không một bản nào Chủ nhiệm Hồng chưa đặt chân đến, không một ngôi nhà nào chị chưa gõ cửa để vận động tuyên truyền. Và kết quả, chị Hồng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Thày thuốc Ưu tú.

55 tuổi, chị Hồng nghỉ hưu nhưng không rời nghề sản yêu thích. Bao cặp vợ chồng mong ngóng chị đem niềm vui cho họ với tay nghề chữa vô sinh, hiếm muộn giỏi. Bao đứa trẻ bản Xóm Phù (xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc) dù đã có tên nhưng vẫn lơ là với con chữ, sự học. Chị ước mong có thể thắp lên trong chúng những khát vọng được đi học như mình ngày xưa.


Bài dự thi những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu đảm đang đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam số 102 ngày 24/8/2012

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video