Bước tiếp Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

26/12/2020
Phát huy kết quả đã đạt được của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020, tại lễ Tổng kết Chương trình giai đoạn 2018-2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục triển khai Chương trình giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga và Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP ký Kế hoạch thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2021-2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu dự hội nghị chứng kiến.

Kết quả Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chương trình đã góp phần hỗ trợ một bộ phận phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống; tạo cơ hội, điều kiện để nhiều hội viên phụ nữ phát huy và khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về quốc gia, quốc giới; ý thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ biên giới quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, đời sống của đồng bào các dân tộc nói chung, phụ nữ nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Phát huy kết quả đã đạt được của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 với một số nội dung trọng tâm sau:

Một, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, hiệp định, quy chế biên giới, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Hai, duy trì và xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo khu vực biên giới biết cách tổ chức sản xuất, thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất.

Ba, chủ động, linh hoạt, sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút phụ nữ tham gia hoạt động Hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tăng 10% so với năm 2020; hằng năm, mỗi xã giúp ít nhất 03 gia đình phụ nữ nghèo đạt các tiêu chí gia đình “5 không, 5 có” và “3 sạch”; 100% xã trong Chương trình được trang bị máy tính và sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh phục vụ công tác, sinh hoạt, có tủ sách, báo Phụ nữ.

Bốn, phối hợp vận động phụ nữ và gia đình tích cực tham gia Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia cùng BĐBP và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới, mua bán người, bạo hành phụ nữ, trẻ em... Tổ chức cho hội viên, phụ nữ ở địa bàn biên giới cam kết không để người thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật, quy chế biên giới; đấu tranh tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc; không tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, bài trừ các hủ tục, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng địa bàn không có tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.

Năm, phối hợp tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình phụ nữ khó khăn, trao học bổng học sinh nghèo vượt khó, con em gia đình bộ đội trên địa bàn biên giới thuộc Chương trình. Hỗ trợ xây dựng công trình dân sinh, Mái ấm tình thương cho gia đình phụ nữ khó khăn về nhà ở.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video