Buôn bán phụ nữ, trẻ em - Cuộc chiến không khoan nhượng

27/04/2007
Buôn bán người - mối quan tâm của toàn cầu, diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, quốc tế hoá.

Trong nước tiềm ẩn còn tội phạm lớn, nhiều đường dây tội phạm hoạt động ngầm, liên quan đến nhiều địa phương, xuyên quốc gia chưa được triệt phá – đó là nhận định tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 (2004-2006) thực hiện Chương trình phòng chống tội phạm BBPNTE do Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo đầu tháng 4 vừa qua.

 

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

 

Báo cáo của các địa phương cho thấy, trong 2 năm (2004-2006), cả nước đã có 1.518 phụ nữ, trẻ em phát hiện bị buôn bán. Con số này ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Chúng triệt để lợi dụng số phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm hứa tìm việc làm thích hợp, nhẹ nhàng ở thành phố, thị xã, sau đó đưa qua biên giới cho các chủ chứa hoặc các tổ chức tội phạm nước ngoài; lợi dụng sơ hở của pháp luật trong tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, đi hợp tác lao động để lừa gạt, đưa PNTE ra nước ngoài bán; lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của nước ta…Đặc biệt, bọn tội phạm còn lợi dụng công nghệ viễn thông hiện đại, thông tin Internet, chat, games…thiết lập các đường dây BBPNTE, các đường dây gái gọi qua mạng, qua điện thoại di động, tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia nên nhiều PNTE, kể cả sinh viên cũng bị lừa bán ra nước ngoài.

 

Cùng nỗ lực vào cuộc

 

Trước tình hình tội phạm BBPNTE có chiều hướng ngày càng gia tăng, ngày 14/7/2004 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chương trình hành động BBPNTE (Chương trình 130/CP); thành lập Ban chỉ đạo gồm 16 Bộ, ngành, đoàn thể T.W là thành viên. Đồng thời Chính phủ đã ra Quyết định về cơ chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán trở về; tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác song phương và trong khu vực về chống buôn bán người, đặc biệt là sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng chống buôn bán người các nước vùng tiểu sông Mê-Kông và các hoạt động hợp tác song phương với Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan và các quốc gia trong khu vực.

 

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Bộ Tư lệnh biên phòng, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân các cấp điều tra, phát hiện, truy tố, xét xử các tội phạm về BBPNTE; tiến hành tổng điều tra, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm, xác định các tuyến, địa phương trọng điểm. Qua điều tra từ năm 1998-2006 đã xác định 33 tuyến, 139 địa bàn trọng điểm; lên danh sách đưa vào quản lý 2.048 đối tượng; lập danh sách 5.746 PNTE bị bán ra nước ngoài; 7.940 PNTE vắng mặt tại địa phương lâu ngày. Trong 2 năm thực hiện, cả nước đã điều tra, khám phá 445 vụ, bắt giữ 790 đối tượng. Bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an, ngành LĐTB&XH tiếp nhận 1.280 nạn nhân là PNTE từ nước ngoài trở về. Bộ Ngoại giao đã giải cứu, đưa về nước 122 nạn nhân. Một số địa phương đã ban hành quy chế tạm thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân trở về đoàn tụ cùng gia đình. Điển hình là Quảng Ninh tiếp nhận 64 đợt, 424 PNTE; Lào Cai tiếp nhận 60, Lạng Sơn 43 đợt …

 

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ khi có Quyết định 130/CP, T.W Hội LHPNVN đã đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông tại 104 xã trọng điểm thuộc 27 tỉnh/thành phố; phối hợp với Bộ Công an tổ chức Liên hoan phim toàn quốc về PCBBPNTE; biên soạn, in ấn hàng trăm nghìn tài liệu, tờ rơi, áp phích phát cho các tỉnh/thành Hội, đơn vị xã, thị trấn…Các cấp Hội còn tổ chức dạy nghề cho gần 15.000 người, giới thiệu việc làm cho 13.000 người; tạo điều kiện cho phụ nữ khó khăn vay trên 600 tỷ đồng phát triển sản xuất. Đặc biệt, một số tỉnh có nhiều PNTE bị buôn bán: Tây Ninh, Hậu Giang, T.P Cần Thơ năm 2006 đã hỗ trợ, đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 1.150 lượt người, hỗ trợ vốn vay cho 1.104 người với số tiền 6,5 tỷ đồng và hỗ trợ đưa hơn 500 trẻ em đến trường. Một số tỉnh/thành Hội đã thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn, tư vấn, hỗ trợ kết hôn cho hàng nghìn lượt người.

 

Vẫn còn nhiều cam go

 

Theo ông Jesper Morch, đại diện các Tổ chức quốc tếtại Việt Nam, nguyên nhân sâu xa của buôn bán người là nghèo đói, phân biệt đối xử và bạo lực. Nhiều PNTE bị buôn bán dưới nhiều hình thức: hôn nhân cưỡng ép, cho làm con nuôi phục vụ ngành công nghiệp tình dục và bóc lột lao động. Hiện nay trên thế giới, nhu cầu về lao động giá rẻ rất lớn, khiến một lượng lớn người lớn, trẻ em phải di cư. Do không được chuẩn bị trước, thiếu thông tin về quyền lựa chọn, họ dễ bị xâm hại và bóc lột. Bên cạnh đó, các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã và đang thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán người. Chính vì vậy, buôn bán người không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng ngày càng gia tăng.

 

Thực tiễn cho thấy, mặc dù công tác PCBBPNTE đã được các cấp, các ngành thực hiện khá tích cực, quyết liệt, nhất là sau khi có Chương trình 130/CP, tuy nhiên đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc, thiếu các kế hoạch và biện pháp cụ thể. Công tác nắm tình hình và tập trung chỉ đạo đấu tranh với loại tội phạm này của lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng các cấp còn nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền còn lúng túng, hình thức và chưa lồng ghép với các chương trình KT-XH địa phương nên chưa thực sự nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là PNTE vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc triển khai, tiếp nhận, hồi hương, tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán trở về thiếu các chính sách đảm bảo nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Công tác xây dựng và hoàn chỉnh pháp luật còn chậm. Hợp tác quốc tế trong PCBBPNTE còn nhiều hạn chế. Lực lượng thực thi nhiệm vụ hoạt động kiêm nhiệm…

 

Để công tác PCBBPNTE mang lại hiệu quả thiết thực, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp: kinh tế, hành chính, pháp luật. Các Bộ, ngành, địa phương, các cấp cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đặt trong một kế hoạch tổng thể do Chính phủ, UBND các cấp điều phối chỉ đạo. Công tác tuyên truyền cần đi trước một bước, quán triệt phương châm “phòng ngừa là chính” kết hợp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng cần nâng cao hiệu quả đấu tranh, liên tục tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là các tuyến, địa bàn trọng điểm và cần có lực lượng chuyên trách, cơ chế chính sách pháp luật mới có khả năng thực hiện được mục tiêu đề ra.

Đỗ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video