Buôn bán phụ nữ và trẻ em ngày càng nghiêm trọng

29/03/2005
Ngày 24/3/2005, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội đã tổ chức Hội nghị “Triển khai chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn năm 2004 - 2010”.

Sự kiện này được xem là động thái tích cực của cơ quan chức năng, bên cạnh có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (UNODC, UNICEF…) trong việc phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em (PNTE) Việt Nam ra nước ngoài… 

 

Thực trạng nhức nhối

 

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tình trạng buôn bán PNTE ra nước ngoài hiện nay đã trở thành vấn nạn. Đã có hàng chục nghìn PNTE bị lừa gạt buôn bán ra nước ngoài. Tuy nhiên tính riêng từ năm 1998 đến nay, ngành công an mới điều tra khởi tố 1.434 vụ, bắt giữ 2.488 đối tượng (trong đó có 1.112 vụ với 1.991 đối tượng phạm tội mua bán phụ nữ; 322 vụ, 497 đối tượng phạm tội mua bán trẻ em).

 

Nguy hiểm hơn, đối tượng tội phạm loại này ngày càng tăng cường hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt ở các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam  - Campuchia. ở các tuyến đường biên này, chỉ tính riêng từ  năm 2000 - 2004 đã xảy ra 232 vụ, với 474 đối tượng phạm tội mua bán PNTE bị bắt giữ (báo cáo của Bộ đội Biên phòng). Các tỉnh giáp biên giới, có số PNTE được đưa ra nước ngoài nhiều nhất. Cụ thể ở Lạng Sơn có 2.515 người, Tây Ninh có 2.240 người… 

 

Ngoài mục đích môi giới hôn nhân, con nuôi, bọn tội phạm còn lợi dụng PNTE Việt Nam để đưa vào ngành công nghiệp tình dục ở nước ngoài để khai thác. Ước tính của Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, hàng năm có khoảng 500 PNTE bị xô đẩy từ nông thôn đến thành thị và qua biên giới để bọn tội phạm đưa vào phục vụ loại tệ nạn này.

 

Bà Lê Hồng Loan -Giám đốc bộ phận Bảo vệ trẻ em, thuộc Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF)- cho biết, dựa trên kết quả điều tra thực tế về tình trạng buôn bán PNTE do UNICEF thực hiện, thì phần lớn những PNTE có cuộc sống nghèo khó là mục tiêu của bọn buôn người.

Điều đáng quan tâm là trình độ của nạn nhân bị lừa gạt bán ra nước ngoài đều ở trình độ rất thấp, không học vấn. Trình độ đại học tuyệt nhiên không có nạn nhân nào. Tuy nhiên, những hoàn cảnh khác cũng là nguyên nhân mà nạn nhân dễ bị sa chân vào bọn buôn người như: gia đình có bố mẹ bỏ nhau, sống không hạnh phúc, nhẹ dạ cả tin và nguy hiểm hơn là việc tội phạm công khai kết hôn với nạn nhân sau đó đưa ra nước ngoài bán thẳng cho nhà chứa…

 

Đã đến lúc phải hành động!

 

Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán PNTE giai đoạn 2004 - 2010, về mặt cơ bản đã được các Bộ, ngành đều nhất trí cao. Mục tiêu của chương trình này là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm buôn  bán PNTE. Mục tiêu đến năm 2010 sẽ giảm cơ bản về tình trạng này.

 

Bên cạnh đó, dự án “Nâng cao năng lực các cơ quan Tư pháp và Hành pháp trong đấu tranh chống tội phạm buôn bán người Việt Nam” của Bộ Công an, do cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy -Liên Hiệp quốc (UNODC) tài trợ, cũng đã thực  hiện hoàn tất giai đoạn 1 và trong giai đoạn năm 2004 - 2010, dự án này sẽ được triển khai bước 2, ở cấp độ cao hơn.

 

Bà Narumi Yamada - Đại diện UNODC tại Việt Nam- cho biết: “Trong khuôn khổ dự án này, ngoài việc trợ giúp Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết Nghị định thư, hợp tác với các quốc gia khác về phòng chống tội phạm có tổ chức mua bán PNTE thì phải nâng cao năng lực hệ thống bảo vệ pháp luật hoàn thiện bằng cách nhân rộng tập huấn cho cả cơ quan hành pháp và tư pháp  trong công tác điều tra, khởi tố và truy tố đối tượng tội phạm này”.

Theo báo Tiền phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video