Cà Mau: Khởi sắc đời sống phụ nữ dân tộc

01/04/2020
Khánh Hưng là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thời gian qua, Hội LHPN xã không ngừng chăm lo cải thiện đời sống phụ nữ đồng bào dân tộc. Thành quả là sau nhiều năm, đời sống vật chất, tinh thần của chị em hội viên được nâng lên rõ rệt.

Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) Trương Thanh Bình cho biết, toàn xã có 345 hội viên phụ nữ dân tộc Khmer. Trước đây đời sống hội viên gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào cây lúa khi mất mùa, ép giá…, nhưng về sau các chị đã thay đổi cách thức sản xuất bằng việc đa dạng cây trồng, vật nuôi, trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng, trồng rau màu, cây ăn trái tăng thu nhập. Hơn nữa, phụ nữ dân tộc được hưởng nhiều chính sách từ những nguồn vốn tạo điều kiện để xây dựng nhà ở, mua sắm phương tiện, đất canh tác… Ngoài ra, mỗi chi hội thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ nhau khi những tổ hùn vốn được thành lập giúp nhau làm ăn vươn lên thoát nghèo. 

Ấp Kinh Hãng B là ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất, với 110 hội viên, nhưng chỉ còn 2 hội viên thuộc diện hộ nghèo. Để giúp hội viên giảm nghèo, ổn định cuộc sống, chi hội đã thực hiện mô hình 10 trong 1, theo đó 10 hộ khá, giàu sẽ hùn vốn xoay vòng giúp đỡ 1 hộ nghèo. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Hãng B Kim Hồng Chi chia sẻ: “Tổ hùn vốn có 30 thành viên, mỗi tháng chị em sẽ bỏ vào quỹ 1 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng với số tiền 30 triệu đồng gửi đến hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhất, số tiền đó chị em sử dụng để chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái... tăng thu nhập. Cũng từ nguồn vốn của tổ hùn vốn này, nhiều năm nay giúp nhiều chị em thoát nghèo”.

Điển hình là chị Nguyễn Mỹ Anh, ấp Kinh Hãng B, trước đây thuộc diện hộ nghèo vì không có đất sản xuất lại thiếu nguồn vốn làm ăn nên cái nghèo đeo bám. Năm 2018, chị được hỗ trợ 30 triệu đồng từ tổ hùn vốn, chị chăn nuôi, mua máy móc, nguyên liệu về làm bánh bông lan, bánh bò… Ban đầu làm với số lượng ít, về sau khách đặt nhiều, chị mở sạp bán với số lượng lớn.

Chị Mỹ Anh tâm sự: “Nhờ có nguồn vốn của hội giúp đỡ, tôi mới có điều kiện mua máy móc, nguyên liệu làm bánh. Ngoài ra, tôi còn trích một ít mua lại chiếc xe máy cũ để chồng tôi chạy xe ôm. Trừ hết chi phí, mỗi ngày vợ chồng tôi lời được gần 300.000 đồng. Không dư dả nhiều nhưng không còn nghèo như trước, năm ngoái tôi đã nộp đơn xin thoát nghèo. Thời gian tới cố gắng làm ăn để thoát nghèo bền vững”.

Nhiều hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Nguyễn Hồng Sen, ấp Kinh Hãng B, chuyển đổi 1 ha đất trồng lúa sang trồng ớt và ổi, xoài… Chị Sen cho biết, những năm gần đây cây lúa không còn hiệu quả khi cánh đồng nằm ở khu vực cao bị khô hạn nặng, không cung cấp đủ nước nên năng suất thấp. “Tôi tìm hiểu sách báo và tham quan những mô hình trồng ớt hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm từ lâu, nhưng đến năm 2019 mới mạnh dạn trồng. Để thực hiện mô hình, tôi đầu tư 80 triệu đồng lên liếp, mua giống, cải tạo đất, phân thuốc các loại”, chị Sen kể.

Theo chị Sen, cây ớt dễ trồng, ít sâu bệnh nhưng phải phun thuốc ngừa kiến và các loại côn trùng trước khi gieo hạt để giúp ớt nẩy mầm tốt. Cây ớt chịu úng kém nên hạn chế tưới nước và phải cung cấp đủ lượng phân bón để cây nhanh phát triển. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc sẽ thu hoạch trong 3 tháng, kể từ khi xuống giống. Ớt có thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định nên rất an tâm về đầu ra. “Nếu như trước đây, 1 năm thu hoạch từ lúa khoảng 20 triệu đồng thì bây giờ thu hoạch ớt và cây ăn trái cho lợi nhuận nhiều hơn gấp đôi, gấp ba, vì giá ớt thương phẩm khoảng 15-22 ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với lúa, nên từ khi mạnh dạn thực hiện mô hình này cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn hẳn”, chị Sen phấn khởi.

Chị Trương Thanh Bình cho biết, nhìn chung đời sống phụ nữ dân tộc Khmer xã Khánh Hưng đã khởi sắc đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, thời gian tới hội sẽ tiếp tục vận động mọi nguồn lực giúp đỡ hội viên phụ nữ dân tộc gặp khó khăn, hướng đến mục tiêu xoá trắng hội viên phụ nữ dân tộc nghèo. Ngoài ra, còn vận động hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, thực hiện các cuộc vận động  “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới.

baocamau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video