Các cấp Hội hỗ trợ, khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp

18/08/2021
Qua các hoạt động triển khai đồng bộ, ngày càng có nhiều hội viên, phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc được các cấp Hội hỗ trợ khởi nghiệp thành công, vươn lên thoát nghèo.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện ủy Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ.

Phong trào khởi nghiệp được sự hưởng ứng của chị em

Sau nhiều năm bươn chải từ Nam ra Bắc với đủ nghề khác nhau, vợ chồng chị Trần Thị Vui, thôn Lỗ Quynh, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã gây dựng được cơ sở sản xuất đũa mỹ nghệ cho riêng mình. Năm 2002, chị Vui bàn với chồng về quê lập nghiệp sau 5 năm đi làm thuê và học về nghề làm đũa. Thời gian đầu, do thiếu hiểu biết về thị trường, nên cơ sở sản xuất của anh chị gặp không ít khó khăn.

Chị Trần Thị Vui nhớ lại: "Công việc sản xuất ban đầu rất khó khăn, hai vợ chồng chưa có kinh nghiệm gì nhưng quyết tâm làm, mở rộng ra thị trường. Sau gần 19 năm gây dựng, nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi, tích cực tìm kiếm thị trường, sản phẩm đũa mỹ nghệ của đã được nhiều người biết đến". 

Hiện cơ sở đũa mỹ nghệ của chị đang sản xuất 6 loại đũa gỗ từ bình dân đến cao cấp và phân phối sản phẩm cho nhiều cửa hàng, nhà hàng trong tỉnh và một số tỉnh, thành miền Bắc. 

Hơn 1 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, để duy trì sản xuất, anh chị đã phải tìm kiếm nhiều nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm khác nhau để đảm bảo duy trì sản xuất. Việc mở rộng sản xuất đũa mỹ nghệ không chỉ đem đến cho gia đình chị Vui mà còn tạo thu nhập cho từ 2- 25 lao động địa phương, với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị Vui cũng đồng hành, giúp đỡ nhiều hội viên khó khăn trên địa bàn xã có thu nhập ổn định

Chị Trần Thị Vui là một trong số nhiều chị em hội viên, phụ nữ tại tỉnh Vĩnh Phúc được các cấp hội hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo điều kiện để khởi nghiệp.

Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp

Sau gần 5 năm thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung vào các chỉ tiêu: Mỗi huyện, thành phố tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 100% cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của đề án, lồng ghép tuyên truyền đến hội viên phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tính đến nay, đã có 23 hợp tác xã, 18 mô hình tập thể với 3000 hội viên và hơn 200 ý tưởng được nhận sự hỗ trợ từ Đề án.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Huyện ủy Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) tham quan gian hàng trưng bày nông sản an toàn của hội viên phụ nữ huyện

Để tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ được tiếp cận khởi nghiệp sáng tạo, trong năm vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; về vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển của kinh tế. Các cấp Hội cũng tạo điều kiện để các hội viên tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu và kết nối sản phẩm, nông sản an toàn tại các hội nghị hay các sự kiện lớn của Hội, của Tỉnh. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến trong quá trình nhận thức của Hội viên, giúp Hội viên tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của mình.

Chị Nguyễn Thị Như Hoa, chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Tường, cho biết: Trong những năm qua, chúng tôi triển khai rất nhiều hoạt động hỗ trợ chị em phụ nữ trên địa bàn huyện như hỗ trợ chị em phụ nữ vay vốn, phát triển kinh tế qua các hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện, thông qua quỹ TYM hoặc phối hợp với các ban ngành hỗ trợ phụ nữ tổ chức các khóa tập huấn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao sản xuất trong nông nghiệp, trong trồng trọt, chăn nuôi cũng như trong kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thông qua các hoạt động giúp đỡ chị em phụ nữ cho vay vốn, hỗ trợ con giống… 

Qua các hoạt động triển khai đồng bộ, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ trong huyện khởi nghiệp thành công, vươn lên thoát nghèo.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video