Các cấp Hội sẽ có những hoạt động thiết thực vì an toàn cho phụ nữ và trẻ em

13/03/2019
Xung quanh một số vụ việc gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em diễn ra gần đây, Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

PV:Thưa Phó Chủ tịch, thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh về tình trạng xâm hại, mất an toàn đối với phụ nữ và trẻ em. Ngay trong những ngày đầu tháng 3 này đã xảy ra 3 vụ việc gây bức xúc trong dư luận như thầy giáo sàm sỡ học sinh tiểu học, trường mầm non dùng thịt lợn có sán nấu cho trẻ và nữ sinh bị “cưỡng hôn” trong tháng máy chung cư. Hội LHPN Việt Nam có ý kiến gì trước những vụ việc này?

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa:Ngay trong những ngày đầu tháng 3, đúng vào dịp cả nước kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” với sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thì ở một số địa phương lại xảy ra những vụ việc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Điều này cho thấy vấn đề an toàn đối với phụ nữ và trẻ em cần được quan tâm trong gia đình, nơi công cộng, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, sức khỏe, bạo lực, xâm hại tình dục v.v.

Liên quan đến vụ việc thầy giáo chủ nhiệm có những cử chỉ “véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi” nhiều em học sinh nữ lớp 5 Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, theo chúng tôi hành vi của thầy giáo theo như phản ánh là trái ngược hoàn toàn với phẩm chất, tư cách, đạo đức của một nhà giáo theo quy định tại Điều 70 Luật Giáo dục 2005. Điều 25 Luật Trẻ em 2016 quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”, những hành vi của thầy giáo là không thể chấp nhận được, cần được toàn xã hội lên án mạnh mẽ và phải xử lý nghiêm.

Việc Trường mầm non tại Bắc Ninh dùng thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng để nấu ăn cho học sinh cho thấy trường này đã vi phạm những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Mất an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, học sinh ngày hôm nay mà còn ảnh hưởng đến giống nòi của cả dân tộc. Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Vụ việc nữ sinh bị cưỡng hôn trong thang máy ở một chung cư tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chứng tỏ phụ nữ, trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ không an toàn ở nơi công cộng. Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.  Yêu cầu đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng được thể hiện rất rõ, nhất là khi Việt Nam đang cam kết thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW), Chương trình nghị sự 2030 Vì sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Chính phủ Việt Nam. Do đó, đối với vụ việc cụ thể này, chúng tôi thấy rằng hành vi này phải được toàn xã hội lên án và được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.

PV:Là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn với vai trò, vị trí đã được quy định trong hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, Hội LHPN Việt Nam đã và đang có những hoạt động gì để góp phần tạo ra một xã hội an toàn nói chung, an toàn cho phụ nữ và trẻ em nói riêng mà cụ thể trong 3 vụ việc nêu trên?

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa:Là một tổ chức chính trị - xã hội có chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn quan tâm đến việc thúc đẩy xây dựng môi trường an toàn và có các chương trình hành động để đảm bảo an toàn cho mọi người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Quy định và hướng dẫn Hội LHPN Việt Nam các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 – 2022, đảm bảo các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Hội tập trung tuyên truyền, phổ biến và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật,  giáo dục, vận động hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực phát hiện, tố cáo, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.

Thực hiện chức năng giám sát thực thi pháp luật, các cấp Hội đã tập trung giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật An toàn thực phẩm, giám sát vụ việc cụ thể nhằm theo dõi, phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Qua giám sát, Hội kiến nghị các cơ quan liên quan “sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của Bộ luật Hình sự quy định về xâm hại tình dục trẻ em để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội đối với Tội dâm ô đối với trẻ em”để các vụ việc dâm ô trẻ em cũng như xâm hại phụ nữ, trẻ em được giải quyết nghiêm minh, kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội.

Ngoài ra, Hội có các hoạt động can thiệp như: Thực hiện các chương trình, đề án, duy trì các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị mua bán thông qua Ngôi nhà Bình yên, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, chủ động đề xuất, kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường áp dụng biện pháp cần thiết để can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em; xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch.

Năm 2018 TW Hội đã triển khai thực hiện chủ đề Năm “An toàn thực phẩm”, năm 2019 là Năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Vấn đề đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em đã và đang được các cấp Hội triển khai thực hiện. Qua các vụ việc cụ thể nêu trên, Hội có văn bản chỉ đạo các cấp Hội xác minh, làm việc với cơ quan có thẩm quyền, thăm hỏi gia đình nạn nhân; chỉ đạo Hội LHPN tỉnh Bắc Giang xuống địa phương thăm một số gia đình, nắm tình hình, tư tưởng và động viên tinh thần các cháu; làm việc với cấp ủy, chính quyền đề nghị chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết vụ việc kịp thời trên tinh thần bảo vệ quyền trẻ em. Để đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, bên cạnh các hoạt động tích cực của Hội, cũng cần có sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội hướng tới xây dựng một môi trường an toàn.

PV:Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Theo: http://phunuvietnam.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video