Các chủ doanh nghiệp nữ Hà Nội trên đường đổi mới

07/11/2005
Trong những năm gần đây, kinh tế của thủ đô Hà nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, giữ vững vai trò hạt nhân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trọng điểm khu vực Bắc bộ và cả nước. Có được những thành quả đó, không thể không nhắc đến những đóng góp của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nữ nói riêng. Với truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó và dám đương đầu với khó khăn, thách thức, các chị đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển của kinh tế thủ đô

Hầu hết hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp do nữ làm chủ tập trung vào 3 mô hình hoạt động chủ yếu: Mô hình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở kế thừa và phát huy các nghề truyền thống tại các làng nghề cổ của Hà Nội; mô hình sản xuất và kinh doanh các mặt hàng trên cơ sở khai thác nhu cầu của thị trường; mô hình phát triển kinh tế trang trại .

Một trong những doanh nghiệp nữ hoạt động theo mô hình kinh doanh trên cơ sở kế thừa và phát huy các nghề truyền thống phải kể đến chị Đào Thị Thuỷ, chủ doanh nghiệp chạm khắc gỗ Tài Linh, xã Vân Hà -Đông Anh – Hà Nội. Không như những người phụ nữ nông thôn khác, chỉ biết quanh quẩn làm ruộng và nương tựa vào chồng, chị Thuỷ đã lập riêng một xưởng sản xuất đồ gỗ, tạo việc làm cho khoảng 70 lao động nữ lúc nông nhàn, đào tạo nghề cho khoảng 200 lao động trong xã, với mức thu nhập bình quân 700.000đ/tháng/người. Chị Thuỷ không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần xoá đói, giảm nghèo cho địa phương.

Khác với chị Thuỷ, chị Hồng Liên lại chọn cho mình một mặt hàng hoàn toàn mới, mặt hàng mà lẽ ra chỉ dành cho cánh mày râu, đó là dây cáp điện. Hai vợ chồng chị Liên trước đây cùng làm công nhân Công ty Cơ khí Yên Viên, cuộc sống vô cùng khó khăn vất vả. Chị đã bàn với chồng xin về nghỉ chế độ và lập xưởng sản xuất dây cáp điện. Nhờ sự nhạy bén trước cơ chế thị trường, nên sau 13 năm, chị đã có một doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện với sản lượng 1.200 tấn cáp/năm, doanh thu đạt 21 tỷ đồng/năm, thu hút 80 công nhân lao động, với mức lương bình quân gần 1 triệu đồng/tháng. Dự kiến sắp tới, anh chị sẽ xây dựng nhà máy với giá thành 30 tỷ đồng.

Bên cạnh Thủ Đô sầm uất, chị Nguyễn Thị Oanh, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh lại chọn phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trại VAC. Chị đã mạnh dạn nhận khoán 2ha đất hố bom, đất ao, lò gạch để cải tạo thành trang trại khép kín với 3 mẫu ao cá, 3 sào vườn cây ăn quả, chăn nuôi 2000 gà đẻ, 120 con lợn nạc, mỗi năm cho lãi khoảng 100 triệu đồng. Ngoài sự khéo léo đảm đang và biết cách tính toán làm ăn, chị Oanh còn được Hội LHPN Hà Nội cho đi tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh, hỗ trợ 8000 cá giống, tôm giống. Chính những điều này đã giúp chị có đựơc thành công như ngày hôm nay.

Hầu hết những doanh nghiệp do nữ làm chủ, khi mới bắt đầu khởi nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất và kinh nghiệm quản lý. Để tháo gỡ những khó khăn trên, Hội LHPN Hà nội đã thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo cơ bản, nâng cao kiến thức về luật pháp, chính sách kinh tế, kinh nghiệm quản lý cho các nữ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong 2 năm qua, Hội đã tổ chức 32 lớp tập huấn cho 945 nữ chủ doanh nghiệp tại 12 quận, huyện. Hội còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ cho 917 nữ chủ doanh nghiệp với số vốn hàng chục tỷ đồng phát triển sản xuất. Đặc biệt, Hội LHPN Hà Nội còn thành lập CLB nữ doanh nhân, thu hút 262 thành viên tham gia, qua đó các chị được học tập, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường. Trong những năm qua, với sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng, các doanh nhân nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy nền kinh tế thủ đô phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hội nhấp kinh tế thế giới, đòi hỏi các chị phải nỗ lực hơn nữa để tránh tụt hậu so với thế giới. Đồng thời, các cấp, các ngành cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về cơ chế chính sách, vốn, để các doanh nghiệp nữ mở rộng sản xuất, sẵn sàng mọi điều kiện hội nhập nền kinh tế thế giới.

Mai Lan THVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video