Các làng nghề truyền thống trên đất Hương Trà

23/12/2005
Người dân Hương Trà đến bây giờ vẫn không ai biết rõ các làng bún Vân Cù, bánh tráng Lựu Bảo, mộc Hương Hồ, gạch ngói Nam Thanh... trên quê hương mình có từ bao giờ.

Họ chỉ biết rằng, các làng nghề truyền thống này có vai trò quan trọng đối với đời sống bà con từ bao đời nay. Trong khó khăn chung, người dân các làng nghề đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp Hội nông dân.

Làng bún Vân Cù

Nghề làm bún Vân Cù không biết có từ bao giờ, nhưng đến tận bây giờ, bún vẫn là nghề chiín đối với người dân Vân Cù. Anh Phan Văn Liêm - một hộ làm bún nổi tiếng của làng nói: “Tui không biết nghề này có từ bao giờ. Thuở nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ làm bún để bán nuôi anh em tui ăn học. Buổi đến trường, buổi làm giúp bố mẹ... không biết mình thạo nghề và nối nghiệp từ lúc nào. Cho đến bây giờ, làm bún vẫn là nghề chính đối với người dân Vân Cù. Tuy thu nhập không cao, nhưng với họ là “mạch sống” không thể thiếu nên không để thất truyền”.

Nói là “mạch sống”, bởi ở Vân Cù không có nghề nào cho thu nhập bằng nghề làm bún. Nghề này giúp nhiều hộ dân làng Vân Cù ngoài thu lãi bình quân mỗi tháng 2 triệu đồng, còn tận dụng phế phẩm từ bún để chăn nuôi heo mang lại thu nhập khá. Các hộ làm bún đều có thêm nghề nuôi heo, nhiều gia đình nuôi từ 10 đến vài chục con. Riêng gia đình anh Liêm, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa heo thịt khoảng 15 tạ. Anh Liêm khoe: “Bình quân, mỗi năm gia đình tui thu lãi khoảng 35 triệu đồng từ nghề làm bún và nuôi heo. Cũng nhờ nghề làm bún, gia đình tui xây được nhà kiên cố, có điều kiện nuôi con ăn học...”. Làng Vân Cù hiện có khoảng 200 hộ và hầu hết theo nghề này. Nhiều hộ dân ở làng Vân Cù khấm khá hẳn nhờ nghề làm bún.

Làng gạch ngói Nam Thanh

Làng gạch ngói Nam Thanh có 5 cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn của gần 100 hộ gia đình ở đây. Nghề khá vất vả, thu nhập tuy không phải là cao, nhưng có điều kiện phát triển và lưu truyền nghề là niềm vui lớn đối với người dân Nam Thanh.

Anh Nguyễn Văn Mỹ, một người thợ làm gạch lâu năm tâm sự: “Vất vả lắm anh à!. Nghề này chủ yếu “bỏ công làm lãi” song cũng chẳng là bao. Nhưng vì ngoài nghề gia truyền này, làng Nam Thanh khó có nghề nào cho thu nhập khá thay thế. Với người dân ở đây, nghề làm gạch được coi là “máu thịt” nên quyết tâm bám trụ từ bao đời nay”. Anh Trương Văn Vang, chủ một cơ sở sản xuất gạch ngói nói: “Thu nhập mỗi công nhân chỉ từ 600 ngàn đến 700 ngàn đồng/tháng, song với họ việc bảo tồn nghề và làm ra sản phẩm mang tên làng mình là niềm vui lớn”. Đó cũng là điểm chung của các làng nghề truyền thống trên đất Hương Trà.

Theo Báo Thừa Thiên - Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video