Các mô hình của Hội Phụ nữ góp phần bảo vệ môi trường

27/12/2014
Mô hình ứng dụng công nghệ phát triển chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy mô hộ gia đình; mô hình “tiết kiệm xanh” là những cách làm hay của Hội LHPN Hà Nam, Bắc Giang trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học

Trong 2 năm (2013 - 2014), Hội LHPN tỉnh Hà Nam được Bộ Khoa học Công nghệphê duyệt đề án " Hỗ trợ phụ nữ phát triển chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo quy mô hộ gia đình” với sự tham gia của 100 hộ gia đình hội viên, phụ nữ thuộc 4 xã ( Nhân Hưng, Nhân Bình - huyện Lý‎ Nhân, xã Đồng Du - huyện Bình Lục, xã Thanh Tâm - huyện Thanh Liêm). Đề án nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển mạnh chăn nuôi hộ gia đình trong khu dân cư bảo đảm yếu tố môi trường bền vững; đồng thời tạo thuận lợi cho phụ nữ nông thôn phát triển kinh tế gia đình, có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; góp phần xây dựng nông thôn mới. 100 hộ gia đình thuộc đối tượng của đề án được hỗ trợ kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ như: Công ty thức ăn gia súc gia cầm Hoàn Dương; các trại giống lợn trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các hộ gia đình về con giống, thức ăn; mỗi hộ gia đình được hỗ trợnguyên liệu làm từ 15 - 20 m2 nền đệm lót, 03 con giống và thức ăn cung cấp đủ cho 3 con giống với tổng số tiền hỗ trợ trên 9 triệu đồng. Theo đánh giá của chị em hội viên tham gia đề án, khác với những khu chăn nuôi không sử dụng đệm lót sinh học, mô hình này mặc dù đàn lợn được nuôi với số lượng lớn nhưng không có mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường được giảm thiểu. Chị Nguyễn Thị Định - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nhân Hưng, huyện Lý Nhân cho biết: Dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ bảo đảm môi trường mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí, bởi nguyên liệu để sử dụng làm đệm lót chủ yếu là những phụ phẩm trong nông, lâm nghiệp như trấu, mùn cưa ... nên phù hợp với điều kiện kinh tế của các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ. Đến nay, mô hình này đã được Hội LHPN tỉnh Bắc Cạn và Hội LHPN tỉnh Nam Định về thăm và học tập kinh nghiệm, tại các địa phương trong tỉnh đã có hơn 3000 hộ thực hiện. Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Hà Nam tiếp tục vận động các gia đình hội viên nhân rộng và phát triển mô hình này trong toàn tỉnh.

“Tiết kiệm xanh” gây quỹ

Xuất phát từ thực tế, hộ gia đình nào cũng có phế liệu như túi nilon, vỏ nhựa, chai lọ…sau khi sử dụng, chúng bị vứt bừa bãi lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, Hội Phụ nữ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã linh hoạt thành lập mô hình “Tiết kiệm xanh” vừa bảo vệ môi trường sống, lại có quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo.Ở thôn Đông Ngàn, xã Đức Thắng, công việc thu gom rác thải được thực hiện mỗi tuần một lần. Đi kèm với chiếc xe cải tiến là bao đựng những thứ bỏ đi có thể tái chế được như vỏ chai, vỏ lon, bìa giấy cứng… Chị Trần Thị Tư, tổ trưởng nói với chúng tôi: “Giá trị của những thứ đó tuy nhỏ, nhưng “tích tiểu thành đại” nên càng tiết kiệm thì giá trị của chúng càng lớn”. Gia đình chị Lê Thị Bình sống bằng nghề thuần nông, nuôi hai con học đại học nên gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tháng 8 vừa rồi, do sơ xuất chồng chị bị ngã dàn giáo khi đang xây dựng. Chị đã nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ không hoàn lại từ việc bán phế liệu. Giá trị không lớn nhưng cũng đủ để giúp cho gia đình chị Bình nhanh chóng ổn định tinh thần tiếp tục nuôi các con ăn học. Vẫn mô hình ấy nhưng cách làm của Hội phụ nữ xã Hoàng Thanh thì lại khác. Các chị vận động hội viên phân loại rác thải ngay tại gia đình. Chị Nguyễn Thị Lành, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho hay: “Từ khi được thành lập, hội viên không ai bảo ai đều tự giác thu gom phế liệu bị vứt bỏ. Người ít thì một hai cân, người nhiều năm bảy cân. Mỗi lần như vậy cũng được từ 300- 500 nghìn đồng nhập quỹ. Từ đó, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương đã được hỗ trợ thóc, ngô, lạc giống để ổn định sản xuất”. Tại thôn Bắc Vụ 1 xã Bắc Lý, nhiều chị em bày tỏ niềm phấn khởi trước hiệu quả, lợi ích từ mô hình mang lại. Chị Mẫn Thị Hồng một trong những thành viên tích cực của tổ chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi sử dụng xong chai lọ, tôi lại đem vứt bỏ, nhưng từ ngày tham gia vào Tổ “tiết kiệm xanh”, tôi đã ý thức được giá trị của chúng. Vừa làm được việc có ích, vừa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường ngay tại gia đình”.Với những hoạt động ý nghĩa mà mô hình “tiết kiệm xanh” mang lại, sau một năm triển khai mô hình đã thực sự đi vào chiều sâu. Toàn huyện thành lập được 119 mô hình ở 26 cơ sở. Tổng số tiền tiết kiệm từ vận động thu phế liệu được trên 130 triệu đồng, hỗ trợ không hoàn lại cho 111 phụ nữ, trẻ em khó khăn đột xuất và tặng quà cho con em các chiến sỹ quần đảo Trường Sa. Ngoài ra còn cho hàng chục phụ nữ nghèo thiếu vốn sản xuất vay không tính lãi.Việc phân loại rác, thu gom phế liệu không chỉ giúp các chị hình thành thói quen tiết kiệm trong chi tiêu cho gia đình, mà đây còn là một hành động đẹp, giúp cho nhiều hoàn cảnh éo le vượt qua khó khăn trong cuộc sống, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan thêm xanh, sạch, đẹp.

Phụ nữ Hiệp Hoà nói không với túi ny-lông

Trước những cảnh báo môi trường ô nhiễm do túi ny-lông gây ra, năm 2013 Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiệp Hoà, TP. Biên Hoà tỉnh Đồng Nai đã phát động phong trào đi chợ bằng giỏ để hạn chế sử dụng túi ny-lông. Hội đã phát hơn 50 giỏ đi chợ cho chị em ở 3 chi hội: Nhất Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa. Cho đến nay, những gia đình được phát giỏ xách hầu hết đã quen sử dụng vật dụng này. Vì vậy, lượng rác từ túi ny-lông cũng giảm đáng kể.

Sau một năm thực hiện chương trình hội viên nói “không” với túi ny-lông, đã có trên 70% chị em đi chợ bằng giỏ. Phong trào này đang tiếp tục mở rộng thêm 3 chi hội nữa. Mục tiêu của Hội là đến năm 2015 đạt 100% hội viên đi chợ bằng giỏ xách. Theo bà Huỳnh Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hiệp Hòa, nếu đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của túi ny-lông để mọi người cùng hiểu; đồng thời hạn chế sản xuất đại trà túi ny-lông thì chắc chắn một ngày không xa nữa, loại vật dụng nguy hiểm này sẽ không còn tồn tại.

Cũngnhư xã Hiệp Hòa, sau 3 năm triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Mai đã cấp các túi thân thiện cho chị em hội viên ở 5 chi hội để đi chợ. Đây là loại túi có thể sử dụng nhiều lần nên 80% hội viên thực hiện, đạt hiệu quả rõ rệt. Đánh giá kết quả của việc sử dụng túi thân thiện, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Mai Phạm Thị Thu Hương thừa nhận chưa thể chuyển biến ngay nhận thức về một thói quen đối với túi ny-lông. Tuy nhiên, nếu tiếp tục vận động, nhắc nhở phụ nữ đi chợ bằng giỏ xách hoặc túi thân thiện thì khả năng sẽ giảm dần được túi ny-lông. Theo bà Hương, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Mai tiếp tục nhân rộng mô hình làm quen với túi thân thiện, đồng thời tổ chức mô hình “phụ nữ thu gom rác thải” đến từng tổ Hội để nâng cao nhận thức của Hội viên về việc giảm sử dụng túi ny-lông.

Minh Tâm, Mai Anh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video