Các mô hình hiệu quả của Hội LHPN Việt Nam

04/08/2014
Xây dựng, phát triển các mô hình thiết thực, hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo hội viên, phụ nữ là nhiệm vụ được các cấp Hội LHPN Việt Nam chú trọng thực hiện trong thời gian qua

Mô hình Xây dựng Quỹ tiết kiệm từ “rác”. Hội LHPN xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang: Từ hình thức này, Hội LHPN xã Hương Vĩ đã vận động được nguồn quỹ, mua 8 con bò giống tặng phụ nữ nghèo. Theo đó, tại gia đình mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn xã đều có túi phân loại rác thải. Túi đựng rác tái chế được các hộ gia đình gom lại giao cho chị chi hội trưởng 2 lần/ tháng để bán. Toàn bộ số tiền thu được sẽ góp chung vào Quỹ tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo của Hội LHPN xã, dùng để mua bò sinh sản giúp đỡ  không hoàn lại cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với cách làm này, từ năm 2008 đến nay, Hội LHPN xã Hương Vĩ đã dùng số tiền tiết kiệm mua được 8 con bò giống trao tặng cho 8 gia đình hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2014, hội viên phụ nữ xã đã tiết kiệm mua được 3 con bò giống trao tặng cho 2 hội viên và 1 học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 37 triệu đồng. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Hội phụ nữ xã Hương Vỹ tiếp tục vận động quyên góp phấn đấu tặng thêm 2 con bò giống nữa để hoàn thành chỉ tiêu trao tặng 5 con bò cho gia đình hội viên nghèo năm 2014.

Tổ hợp tác phục vụ nấu đám tiệc – mô hình phát triển kinh tế của Hội LHPN phường Nghĩa Chánh, Tp. Quảng Ngãi:

Phường Nghĩa Chánh là một trong những phường đang trong giai đoạn đô thị hóa của TP Quảng Ngãi, do đó, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng khu đô thị mới, khu công nghiệ dẫn đến tình trạng lao động bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, thiếu việc làm trên địa bàn ngày càng gia tăng, phụ nữ phải di cư đến các thành phố lớn để kiếm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình ngày càng nhiều. Trước thách thức đó, Hội LHPN phường Nghĩa Chánh luôn trăn trở, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của chị em hội viên, phụ nữ, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, tìm việc làm phù hợp cho chị em. Năm 2012,nhờ sự hỗ trợ của TW Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, mô hình tạo việc làm sau học nghề “Tổ hợp tác phục vụ nấu đám tiệc” của Hội LHPN phường Nghĩa Chánh ra đời với 25 thành viên, trong đó có 14 chị hộ nghèo, hộ khó khăn. Hội LHPN phường đã cử 8 chị em tham gia lớp khởi sự doanh nghiệp, 5 chị tham gia lớp huấn luyện kỹ thuật chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Hội còn mời cán bộ y tế thành phố về tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ cho các thành viên trong tổ. Nhiều kinh nghiệm, bí quyết phát triển nghề thành công được chị em hội viên tích cực tìm hiểu, chia sẻ tạo nên sức phát triển mới cho tổ như đảm bảo thực phẩm tươi, rau sạch, an toàn, lưu mẫu thức ăn trong vòng 24h, trình bày món ăn đẹp trên bát đĩa sứ, giá cả cạnh tranh, đội ngũ nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo, lịch thiệp, tổ có giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP, tổ chức họp rút kinh nghiệm sau mỗi đám tiệc…Đến nay, qua gần 2 năm hoạt động, tổ đã thực hiện 109 hợp đồng, giải quyết hơn 1102 công lao động, trong đó hộ nghèo, hộ khó khăn là 351 công, hỗ trợ từ 200 ngàn – 250 ngàn đồng/công lao động/1 đám tiệc, duy trì việc làm cho 8 lao động thường xuyên, 9 lao động làm thêm khi nông nhàn, bình quân thu nhập từ 1,2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng/người. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tổ đã hỗ trợ 16 suất quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn, học sinh nghèo hiếu học, tích cực thăm hỏi ốm đau, ủng hộ bão lụt, tặng quà cho các thành viên trong tổ nhân dịp Tết nguyên đán với số tiền hơn 7 triệu đồng. Để tạo bước đi mới và mở rộng hoạt động phục vụ khách hàng, năm 2014 tổ từng bước nâng Tổ hợp tác trở thành Hợp tác xã phục vụ nấu đám tiệc Nghĩa Chánh để hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Mô hình “Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn” ở chi hội PN 14 – xã Ea Kiết – huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Nắm bắt được thực tế đời sống của phụ nữ trong chi hội không có việc làm ổn định (làm theo mùa vụ), đời sống còn khó khăn, mô hình “Tạo việc làm cho PN” đã được Hội LHPN chi hội thành lập. Ban đầu, tham gia mô hình có 10 chị thuộc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu vốn, đất sản xuất. Hình thức hoạt động ban đầu chủ yếu là thông qua nhóm trưởng giới thiệu cho những gia đình cần người làm công nhật hàng ngày và nhận khoán các công việc. Quy chế của nhóm thống nhất, khi đã nhận công việc mỗi thành viên đều có tinh thần trách nhiệm, đảm bảo uy tín. Vì vậy tiếng lành đồn xa, các gia đình thiếu công lao động đều tìm đến Trưởng nhóm để trưởng nhóm điều hành phân bổ công lao động cho các hộ cần người được kịp thời, uy tín của mô hình ngày cầng được nâng lên. Đến nay, mô hình đã thu hút 45 chị tham gia, chia thành 3 tổ. Hiện, mỗi ngày lao động thu nhập 150.000đ – 200.000đ/người. Các thành viên trong mô hình không chỉ đi làm công mà còn thường xuyên giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn như: trích tiền công lại để giúp đỡ nhau, đến nay tiền tiết kiệm của các thành viên đã lên tới 188.000.000đ, xét cho 19 chị vay. Ngoài ra, cán bộ chi hội phụ nữthôn còn đề xuất với Hội PN các cấp, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chị em vay vốn qua kênh NHCSXH với số vốn 1.474.000.000đ để đầu tư sản xuất: chăm sóc cà phê, chăn nuôi nuôi bò, heo, gà… Từ mô hình này nhiều chị đã thoát nghèo điển hình như: chị Lê Thị Sửu, từ hộ nghèo, con đông, đất ít đến nay thu nhập bình quân mỗi năm trừ chi phí có 150.000.000 – 200.000.000đ, chị đã nuôi 4 con học đại học; chị Trần Thị Vinh và chị Nguyễn Thị Tý cũng đã thoát nghèo, xây nhà ở cố định và mua thêm rẫy. Những hoạt động của Hội thông qua mô hình “Tạo việc làm cho phụ nữ” đã giúp nhiều chị em nghèo và cận nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, từ năm 2011 đến nay đã giảm được 17 hộ nghèo, hiện nay toàn thôn chỉ còn 8 hộ nghèo.

Tam Điệp, Tuyết Trinh, Thanh Hường

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video