Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của phụ nữ

06/08/2018
- Quảng Ngãi: Mô hình trồng măng tre Bát Độ của Hội LHPN xã Tịnh Minh
- Đắk Lắk: Mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh của phụ nữ xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông
- Quảng Ngãi: Mô hình trồng măng tre Bát Độ của Hội LHPN xã Tịnh Minh

Nhằm chống xói mòn ven sông, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho phụ nữ ở địa phương phát triển kinh tế, đầu năm 2018, Hội LHPN xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh đã triển khai thực hiện mô hình “Trồng tre Bát Độ”. Mô hình nằm trong khuôn khổ Dự án trồng tre chống xói lở ven sông Trà do Úc hỗ trợ từ hàng chục năm qua.
Tại hội nghị “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh Phú Yên tổ chức vừa qua, sản phẩm măng tre của mô hình đã được trưng bày và đạt giải nhì về ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Chị Phạm Thị Hơn, thành viên tham gia mô hình cho biết: Nằm sát ven sông Trà, nên hàng chục năm trước, tre bát độ đã được một tổ chức của Úc tài trợ trồng nhằm bảo vệ đất đai, chống xói lở khu vực ven sông. Những những hàng tre này đã góp phần bảo vệ đất đai, tạo điều kiện cho người dân sản xuất ổn định và có sản phẩm từ măng tre để tiêu thụ. Năm 2018, Hội LHPN xã đã triển khai mô hình trồng tre bát độ lấy măng, ứng phó với biến đổi khí hậu phát triển từ số diện tích tre bát độ này. Chị Hơn và hội viên phụ nữ thôn Minh Khánh, người dân canh tác lâu năm trên diện tích này tham gia mô hình, chị Hơn được phân công giữ gìn chăm sóc 6 bụi tre bát độ. Các bụi tre bát độ đã cho chị nhiều sản phẩm măng tre, giúp chị có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.
Chị Phạm Thị Tiếng, thôn Minh Khánh xã Tịnh Minh được Hội LHPN xã phân chăm sóc 7 bụi tre bát độ. Tre bát độ được trồng ở khu vực ven sông Trà này từ hàng chục năm nay đã giữ được đất khi những trận lũ lụt tràn vào, không để cho nước lũ cuốn trôi đất đai, hoa màu. Bên cạnh việc giữ đất, tre còn cho gia đình chị có thêm thu nhập nhờ những măng tre bụ bẫm. Với tính năng chịu hạn tốt, sinh trưởng khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, nên 7 bụi tre đã cho nhiều mụt măng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Minh chia sẻ: Mô hình “trồng tre Bát Độ” lấy măng được Hội LHPN xã Tịnh Minh xây dựng với 19 hội viên từ ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế. Trung bình mỗi hội viên được phân chăm sóc, giữ gìn từ 5-7 bụi tre. Diện tích trồng tre trên 1 ha với gần 100 bụi tre. Thời gian thu hoạch nhiều nhất từ tháng 4 âm lịch đến tháng 8 âm lịch, giá bán 30.000 đồng/kg măng luộc; 8.000-10.000 ngàn/ kg măng tươi. Bình quân mỗi năm, bà con có khoảng 5 tháng thu hoạch liên tục thu về được khoảng 30 triệu đồng. Từ những bụi tre này mà diện tích đất của bà con ở đây không bị bão lũ xâm thực, bào mòn. Vừa có ích lợi trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó với bão lũ hàng năm trên sông Trà, những bụi tre bát độ này còn cho nhiều măng tre tạo điều kiện cho chị em phụ nữ vừa có thức ăn an toàn thực phẩm vừa để tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho chị em.
Việc triển khai mô hình trồng tre lấy bát độ lấy măng, ứng phó với biến đổi khí hậu của Hội LHPN xã Tịnh Minh ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho chị em, trồng tre bát độ còn giúp những hộ ven sông Trà thuộc thôn Minh Khánh yên tâm sản xuất, không lo nạn xâm thực của nước lũ.

- Đắk Lắk: Mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh của phụ nữ xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông

Với truyền thống chăn nuôi bò theo phương pháp chăn dắt, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp hoặc nguồn thức ăn có sẵn như cỏ tự nhiên, những những năm gần đây, phương pháp truyền thống này không còn hiệu quả bởi nhiều lý do, khí hậu ngày càng khắc nghiệt làm mùa khô kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng, diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp… Trước thực trạng đó, năm 2017, Hội LHPN xã Hòa Sơn đã vận động các gia đình hội viên phụ nữ thôn 8 xã Hòa Sơn thành lập mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh với 18 thành viên tham gia. Để giúp chị em có vốn làm ăn, Hội đã đề xuất với Hội LHPN tỉnh cho mỗi chị được vay vốn từ quỹ khởi nghiệp đồng thời đứng ra tín chấp NHCSXH cho 4 chị vay vốn để xây dựng chuồng trại và mua con giống trị giá 120 triệu đồng.

 Ảnh minh họa

 Mô hình “Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh” của hội viên phụ nữ xã Hòa Sơn


Qua một năm thực hiện, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh” của hội viên phụ nữ xã Hòa Sơn đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 30 - 40 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động nữ nông thôn, đặc biệt tạo cho chị em mối liên kết chặt chẽ, thường xuyên có sự hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm với nhau về nguồn giống, kỹ thuật trồng cỏ, quy trình chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, liên hệ với các cơ sở giết mổ và tham khảo giá bán để các thành viên trong tổ tránh bị thương lái ép giá khi xuất bán. Có thể khẳng định kết quả bước đầu của mô hình“Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh” tại thôn 8, xã Hòa Sơn là hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Sơn, hoạt động mô hình vẫn còn gặp khó khăn như: thiếu vốn đấu tư tăng đàn, giá cả và thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nguồn lực đầu tư cho mô hình còn hạn chế; các chị em trong tổ thiếu kỹ năng xây dựng kế hoạch, hạch toán kinh doanh. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả mô hình “Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh”, Hội LHPN xã sẽ đề xuất với Hội LHPN huyện Krông Bông phối hợp với các ngành chức năng mở lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho hội viên phụ nữ; tăng cường phối hợp với các đơn vị tiêu thụ, các tiểu thương trong xã để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm...
Thu Phượng – Kim Cúc, Đắk Lắk (1.8)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video