Cách thoát nghèo của phụ nữ An Hiệp

13/12/2010
Chị Huỳnh Thị Pha – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Hiệp (huyện Ba Tri) đưa chúng tôi thăm gia đình chị Nguyễn Thị Ru. Căn nhà 3 gian mới cất từ Chương trình 167. Sau nhà là dãy chuồng heo nái, heo lứa, mấy con bò đang gậm cỏ gần đó. Ngoài đồng, chồng chị đang chăn đàn vịt đẻ 500 con.

Nhìn “cơ ngơi” của chị Ru ít ai nghĩ rằng chỉ hơn một năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Siêng năng, cần mẫn nhưng không có vốn nên vợ chồng chị chỉ biết đi làm thuê kiếm sống. Làm hoài nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.


Cách đây 2 năm, chị Ru được Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay 7 triệu đồng từ ngân hàng. Từ số tiền này, vợ chồng chị Ru bắt đầu gầy dựng sự nghiệp.


Anh chị mua bò về vỗ béo vài tháng rồi bán lại. Sau đó lại tiếp tục và chỉ trong vòng 1 năm, anh chị Ru trả được một phần nợ vay. 


Cùng với số tiền tích cóp, chị Ru trả nợ đồng thời vay lại 15 triệu đồng. Cũng bắt đầu nuôi bò, nuôi heo, nuôi vịt, năm nay, gia đình chị Ru đăng ký thoát nghèo.


Cũng như chị Ru, gia đình chị Lê Thị Thu không có đất sản xuất nhưng trong nhà lúc nào cũng có lúa chất cao ngất. 2 năm trước, chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay 15 triệu đồng. Số tiền đó với chị nhiều đến mức ban đầu chị không dám vay vì chưa biết phải làm sao để trả được cả vốn lẫn lãi.


“Được mấy chị trong Hội Phụ nữ giới thiệu đi dự các lớp tập huấn và đi thực tế. Nhìn thấy người ta làm được, thấy ham nên về nhà vợ chồng bàn bạc, rồi vay vốn nuôi bò” – chị Thu bộc bạch.


Bây giờ, gia đình chị đã nuôi lứa bò thứ 3, trả được một phần nợ vay và đang mở rộng thêm nuôi heo. Chồng chị hiện vẫn đi giữ tôm mướn.


Vào vụ mùa thì nhà chị thuê thêm đất để trồng lúa, vừa có lúa ăn vừa lấy rơm nuôi bò. Hàng ngày chị ở nhà vừa chăm sóc con, tách vỏ hạt điều, vừa nhận đan giỏ nhựa.


Chưa thoát nghèo, nhưng trước mắt, con trai chị, hiện đang học lớp 12 sẽ không phải nghỉ học giữa chừng. Chị thấy nhẹ lòng.


Ở An Hiệp, không chỉ có chị Ru, chị Thu mà xã có đến 538 hộ nghèo (tỷ lệ 19,18%); trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ là 157 hộ (chiếm 29,18% so tổng hộ nghèo). Làm thế nào để xã ngày càng có ít hộ nghèo là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ An Hiệp quan tâm hàng đầu.


An Hiệp cũng là xã được chọn tham gia Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn từ năm 2008. Biết khai thác lợi thế của Dự án, với tư cách là thành viên của Ban Phát triển xã, Hội Phụ nữ xã đã đưa ra nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho giới mình.


Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Huỳnh Thị Pha cho biết, trước đây, Hội thực hiện vai trò làm cầu nối để chị em tiếp cận với các nguồn vốn, nhưng vay để làm gì, cách làm cụ thể như thế nào để có thể trả được nợ vay, vừa giúp thoát nghèo thì còn bỏ ngõ.


Khi có Dự án, các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, các chuyến tham quan thực tế về mô hình trồng màu, ca cao, nuôi bò, lúa ở các xã khác đều có phụ nữ tham gia.


Chị Pha nói: “Có đi thực tế, chị em mới rút ra được kinh nghiệm cho mình và mạnh dạn hơn trong đầu tư, sản xuất. Chị em được học cách làm thế nào để sử dụng vốn khoa học hơn. Không phải vay vốn mua bò rồi mua rơm, mua thức ăn, mua cỏ…, mà chị em đã cùng vào nhóm, tổ để cùng phối hợp, hỗ trợ nhau. Chị em đã biết tận dụng đất bìa, chéo để trồng cỏ; thuê đất để trồng lúa lấy rơm. Lấy công làm lời nên bò dù có xuống giá, người nuôi bò cũng vững tin”.


Hiện tại, Hội Phụ nữ xã An Hiệp có 55 tổ hợp tác với 1.558 thành viên, trong đó có 16 tổ tiết kiệm, 9 tổ tương trợ, 7 tổ dần đổi công, 4 tổ nuôi bò sinh sản, 2 tổ chầm lá kết chổi, 1 tổ mua bán nhỏ, 1 tổ từ thiện và 7 nhóm tách vỏ hạt điều.


Điểm đặc biệt ở An Hiệp là trong các tổ hợp tác của Hội Phụ nữ còn có cả nam giới. Trong 16 tổ tiết kiệm của Hội thì có 5 tổ do các anh làm tổ trưởng.


Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của phụ nữ An Hiệp đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động 96 chị em khá giúp 112 chị còn khó khăn về vốn sản xuất, cây, con giống, ngày công lao động và đặc biệt là cho mượn hoặc cho mướn đất giá rẻ để trồng cỏ nuôi bò và trồng lúa. Sự tương trợ này chẳng những giúp chị em kinh tế ngày càng phát triển mà làm cho cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, gần gũi hơn.


Phó Chủ tịch UBND, đồng thời là Trưởng Ban Phát triển xã An Hiệp Lê Văn Chiến nói, điểm nổi bật nhất của Hội Phụ nữ xã trong khi tham công tác xóa nghèo là quản lý tốt được nguồn vốn.


Không chỉ làm cầu nối để người nghèo địa phương tiếp cận với các nguồn vốn mà Hội còn có tác động tích cực trong theo dõi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận cách thức làm ăn sao cho phù hợp, hiệu quả.


Chính cách làm bài bản này mà trên 400 thành viên của tổ tín dụng tiết kiệm đều được vay vốn và sử dụng đúng mục đích. Đến nay, tổng dư nợ do Hội Phụ nữ An Hiệp quản lý gần 7,9 tỷ đồng.


“Vốn vay đảm bảo được sử dụng đúng mục địch vì Hội luôn theo dõi trong quá trình vay. Trong khoảng 2 tuần đầu tiên sau khi vay, nếu vốn không được sử dụng đúng mục đích thì sẽ bị rút vốn lại ngay” - chị Huỳnh Thị Pha cho biết.

Theo www.bentre.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video