Cải thiện khung chính sách, luật pháp để ngăn chặn bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật

18/10/2019
Sáng 18/10/2019, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp tổ chức hội thảo “Đề xuất khung chính sách sửa đổi về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho phụ nữ khuyết tật”.

Hội thảo thu hút trên 60 đại biểu đến từ các bộ, ngành liên quan, các mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương nêu ra con số, hiện nay, trên cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (trong đó có khoảng 3,5 triệu phụ nữ). Phụ nữ khuyết tật có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp 3 lần so với nam giới khuyết tật, đồng thời phải chịu sự phân biệt đối xử kép.

Phó Chủ tịch Hội cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất chính sách, các chương trình, đề án hỗ trợ nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ khuyết tật. Hội đã triển khai nhiều mô hình an toàn có hiệu quả như: Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, cơ sở giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, mô hình Thành phố an toàn, làng quê an toàn...

 Ảnh minh họa

 Đại biểu tham gia hội thảo


Việc tổ chức hội thảo lần này nhằm giúp Hội LHPN Việt Nam có thêm cơ sở để tiếp tục có tiếng nói, đóng góp, đề xuất sáng kiến, giải pháp phù hợp góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực giới, hướng tới thiết lập mạng lưới hỗ trợ và tăng cường khung pháp lý, chính sách để bảo vệ, ngăn chặn bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật trong thời gian tới.

Tại hội thảo, thông qua những câu chuyện thực tế, các đại biểu đã cùng chia sẻ, nhìn nhận một bức tranh chung về thực trạng và những vấn đề đang đặt ra đối với người khuyết tật, đặc biệt là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật.

 Ảnh minh họa

 Bà Nguyễn Thu Thúy, thành viên của mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) chia sẻ câu chuyện về người phụ nữ khuyết tật bị bạo lực


Bà Nguyễn Thu Thúy, thành viên của mạng lưới Ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) cho rằng, hiện nay các can thiệp và dịch vụ từ chính phủ còn nhiều vấn đề. Thủ tục giải quyết phức tạp, hệ thống tư pháp hình sự chưa đáp ứng, thiếu các trung tâm trợ giúp phụ nữ bị bạo lực giới, các đường dây nóng, dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe chưa hiệu quả. Cơ chế bảo vệ nạn nhân còn yếu và thiếu, quy định về chứng cứ gây khó khăn cho nạn nhân, nạn nhân thường phải cung cấp bằng chứng, trả lời câu hỏi mang tính nhạy cảm nhiều lần, chưa có quy định về việc thu thập chứng cứ một cách riêng tư, bảo vệ nhân phẩm cho nạn nhân. Chế tài xử phạt, bồi thường thiệt hại không hợp lý và đủ sức răn đe, không có quy định riêng về bồi thường thiệt hại đối với các hành vi bạo lực tình dục. Chưa có các quy định mang tính đặc thù về phòng chống bạo lực giới đối với phụ nữ khuyết tật...

Bà Cao Thị Hồng Minh, Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Hội LHPN Việt Nam chia sẻ, năm 2018, Hội LHPN Việt Nam đã vào cuộc tư vấn, hỗ trợ cho một trường hợp bé gái 13 tuổi bị thiểu năng trí tuệ ở Vĩnh Long bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai và sinh con nhưng không biết ai là người xâm hại; Năm 2019, Hội đã vào cuộc tham gia xác minh, tư vấn và hỗ trợ một vụ việc phụ nữ khuyết tật về trí tuệ ở Hưng Yên bị hàng xóm xâm hại tình dục.

 Ảnh minh họa

 Bà Cao Thị Hồng Minh, Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Hội LHPN Việt Nam chia sẻ tại hội thảo


Quá trình tham gia, vào cuộc hỗ trợ nạn nhân của Hội LHPN Việt Nam cho thấy còn nhiều khoảng trống trong khung pháp lý: Thiếu văn bản hướng dẫn nên việc áp dụng, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục thường gặp nhiều khó khăn, lúng túng chậm trễ trong quá trình tố tụng, thậm chí xác định hành vi phạm tội không đầy đủ, dẫn đến bỏ lọt tội phạm; Chưa có quy định giám định pháp y đặc biệt đối với các vụ án xâm hại tình dục đối với người khuyết tật nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, nguyên vẹn của chứng cứ; Chưa có quy định chế tài hình sự đối với việc dâm ô, quấy rối tình dục đối với người phạm tội trong trường hợp nạn nhân đủ từ 16 tuổi trở lên hoặc nạn nhân là người khuyết tật...

Từ bức tranh về thực trạng cũng như những vấn đề đặt ra đối với người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em khuyết tật, Hội thảo đã thảo luận, thống nhất các đề xuất chính sách tập trung vào mục tiêu cải thiện khung pháp luật chính sách và công tác thực thi để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tốt hơn.

 Ảnh minh họa

 Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm


Trong đó có việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chốngbạo lực tình dục và các văn bản liên quan; Bổ sung một số định nghĩa giải thích các thuật ngữ về bạo lực tình dục nhằm nhận diện đầy đủ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật; Bổ sung, lồng ghép những chính sách đặc thù nhằm bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khuyết tật khỏi bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực tình dục; Sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với thủ phạm có hành vi bạo lực tình dục theo hướng tăng mức xử phạt, có quy định riêng chế tài hành chính đối với người có hành vi bạo lực tình dục; Rà soạt, bổ sung các quy định liên quan đến giám định tư pháp, bổ sung các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với người khuyết tật là nhân của bạo lực; Bổ sung quy định về các thủ tục điều tra thân thiện nhằm bảo vệ phụ nữ, trẻ em khuyết tật...

 Ảnh minh họa

 Hội thảo cũng đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường phòng ngừa và ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng cường phòng ngừa và ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật như: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về nguy cơ bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật và về quyền của họ được sống an toàn và được tôn trọng; Nâng cao năng lực cho các bên liên quan, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người khuyết tật và gia đình/ người chăm sóc của họ; Tăng cường các dịch vụ công hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bạo lực tình dục; Kịp thời thực hiện các hoạt động trợ giúp cho nạn nhân tiếp cận các dịch vụ y tế, pháp lý, hỗ trợ nạn nhân mau chóng hồi phục, hòa nhập cộng đồng thông qua tư vấn tâm lý, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm tăng thu nhập; Phát triển tổ chức/mạng lưới của người khuyết tật, kết nối các bên liên quan, tăng cường hiệu quả chuyển gửi giữa các cấp, các ngành...

Những con số

- Tham luận từ Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam cung cấp thông tin: có 87% trong số 2.000 phụ nữ cho biết họ từng bị quấy rối tình dục (QRTD) ở nơi công cộng; 31% em gái vị thành niên và thanh niên từng bị QRTD; 11% học sinh của 30 trường Trung học tại Hà Nội cho biết từng bị xâm hại, QRTD.

- Nghiên cứu thực tế của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng tại huyện Ba Vì, Hà nội cũng đưa ra con số: cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục. Phần lớn phụ nữ khuyết tật khi bị bạo lực, xâm hại chỉ dám chia sẻ với người thân trong gia đình, không dám lên tiếng, tìm đến các cơ quan chức năng.



 Câu chuyện được sẻ chia

- Chị Th, 42 tuổi, là người khuyết tật ở chân, chị Th không biết chữ, ngại giao tiếp. Chị bị chồng nhiều lần đánh đập mà không dám nói với ai; thường xuyên bị chồng bạo lực tình dục, đêm đang ngủ bị anh ta xé quần áo bắt quan hệ tình dục. Thậm chí, chồng đi ngoại tình, về nhà còn chửi bới chị và thẳng thừng tuyên bố “Nó không đi tập tễnh như mày, ít ra nhìn nó còn lành lặn”. Cuộc sống của chị triền miên trong đau khổ và chịu đựng...

- Bé L, 16 tuổi, là người khuyết tật trí tuệ, L bị hàng xóm xâm hại, mang thai 2 tháng. Gia đình L làm đơn tố cáo lên UBND và công an xã mong muốn được trừng trị kẻ có tội. Chính quyền địa phương họp với hai gia đình, khuyên gia đình em L hòa giải và nhận tiền đền bù. Vì sợ cái thai ngày càng lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của L, gia đình em đã đưa em đi nạo thai chui ở một bà lang vườn mà không lưu lại chứng cứ để có thể xét nghiệm ADN...


VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video