Cẩm nang hướng dẫn tiếp cận giáo dục dựa trên quyền

10/11/2014
Sáng 07/11/2014, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn nhằm xin ý kiến các chuyên gia, Hội LHPN một số tỉnh, thành về tài liệu “Cẩm nang hướng dẫn tiếp cận giáo dục dựa trên quyền”.

Tài liệu “Cẩm nang hướng dẫn tiếp cận giáo dục dựa trên quyền” do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng (VVOB Việt Nam) xây dựng thông qua một số khóa học về tiếp cận giáo dục dựa trên quyền. Cẩm nang này được biên soạn dành cho cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở và những người điều hành các câu lạc bộ sinh hoạt về các chủ đề liên quan đến trẻ em, gia đình… tại 63 tỉnh, thành trên cả nước; nhằm giúp họ hiểu được nội dung các quyền của trẻ em, đặc biệt nhấn mạnh tới nhóm quyền tham gia và phát triển trong lĩnh vực giáo dục; giúp họ có khả năng tổ chức các hoạt động tập huấn và truyền thông về tiếp cận giáo dục dựa trên quyền tại cộng đồng lồng ghép với các nội dung hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.

Tại hội thảo tham vấn, các chuyên gia và đại diện Hội LHPN một số tỉnh, thành đã có nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, cụ thể về những điểm đạt, chưa đạt của tài liệu; đồng thời đưa ra những gợi ý trực tiếp đề nghị bổ sung, xem xét để tác giả tiếp thu, nghiên cứu và hoàn thiện cuốn tài liệu.

 Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, PGĐ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng

 Bà Đỗ Mai Hương, Hội LHPN TP Hà Nội


Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng đánh giá, cuốn tài liệu đã có các phần hướng dẫn kỹ năng, hoạt động, gợi mở các câu hỏi rất tốt, đầy đủ, dễ thực hiện. Tuy nhiên, cuốn tài liệu nặng tính lý thuyết thuần túy về quyền, do đó ông An đề xuất tài liệu cần gắn kết chặt chẽ với thực tế ở Việt Nam trong lĩnh vực tiếp cận với quyền như các chính sách, văn bản, các chương trình, dự án, kết quả đạt được của Việt Nam về cách tiếp cận dựa trên quyền để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em.

Bà Vũ Kim Hoa, Phó Cục trưởng cục Bảo vệ bà mẹ- trẻ em thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thì cho rằng, đây là cuốn cẩm nang dành cho cộng đồng vì vậy nên bổ sung nhiều tranh minh họa sinh động thay vì sử dụng quá nhiều chữ.

Bà Đỗ Mai Hương, Hội LHPN TP Hà Nội chia sẻ, cán bộ Hội Phụ nữ khi ở vai người giảng viên, tuyên truyền cần có kiến thức và kỹ năng trong khi đó ở cuốn cẩm nang, phần kiến thức rất thiếu. Chính vì vậy cần có thêm tài liệu cung cấp kiến thức nền cho các đối tượng cán bộ Hội Phụ nữ và người điều hành CLB để họ nghiên cứu, nắm được các kiến thức cơ bản các vấn đề liên quan đến quyền, từ đó có thể tự tin khi làm công tác tuyên truyền.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tài liệu cần có thêm nhiều ví dụ minh hoạ, dễ nhớ, gắn các vấn đề quyền vào các nội dung, hoạt động cụ thể, đặc biệt là những vấn đề mà Hội Phụ nữ tham gia thực hiện thì người tiếp thu sẽ dễ dàng hơn, đạt hiệu quả cao hơn; cần có các ví dụ cụ thể đối với từng nhóm trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ thiệt thòi, dễ bị tổn thương. Hội Phụ nữ nên có sự kết nối, phối hợp với ngành giáo dục trong quá trình xây dựng tài liệu để nội dung tài liệu được sâu sắc, phù hợp…

Các ý kiến đóng góp, các gợi ý quý báu của các chuyên gia tại hội thảo tham vấn giúp tác giả tiếp thu, hoàn thiện tài liệu “Cẩm nang hướng dẫn tiếp cận giáo dục dựa trên quyền” nhằm đạt được hiệu quả cao nhất khi chuyển tải nội dung đến cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở và những người điều hành CLB.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video