Cảm nghĩ về những bài thơ được giải cao trong cuộc thi thơ Người cao tuổi và HIV/AIDS

14/08/2007
Không phải ngẫu nhiên mà cả ba bài thơ đạt giải cao trong cuộc thi thơ “Người cao tuổi và HIV/AIDS” có chủ thể đều là phụ nữ:

Một người bà khổ nghèo nuôi cháu, một người mẹ nuốt nước mắt vào trong ru con qua cơn đau bệnh tật, một người đàn bà héo hon lặn lội thâu đêm bán cháo nuôi con. Tất cả họ đều là thân nhân ruột thịt của những người con, người cháu mình đang chờ ngày tận số bởi căn bệnh HIV/AIDS hiểm họa.

 

Ta vẫn biết, nếu trong một gia đình, con cái mà làm sao thì người chịu hậu quả khổ đau nặng nề nhất chính là người mẹ – người phụ nữ trong gia đìnhấy. Chớ trêu thay người mẹ, người bà ở đây lại là người đã cao tuổi – cái tuổi đáng ra phải được sống vui, sống khỏe sống thanh thản tuổi già thì lại phải chịu thêm gánh nặng cực nhọc tâm can, vậy thì nỗi khổ ấy nhân lên gấp bội lần: “Lòng bà trời sập đất nghiêng/ Đời bà nén lại đè lên vai gầy” (Lòng bà Nguyễn Khắc Tới) hay: “ Sướng vui chìm đáy biển khơi/ Thân già lầm lũi biết đời nào vinh” (Tiếng cháo rao đêm- Khang Biềng). Lời thơ chính là tiếng thở than từ sâu thẳm đáy lòng. Hình ảnh so sánh gây ấn tượng mạnh mẽ bởi sự đối lập giữa cái vĩ đại của đất trời với cái nhỏ nhoi, bất lực của số phận. Cảm giác khổ đau được ví như hiện tượng bất thường khủng khiếp xảy ra trong thiên nhiên: Trời sập, đất nghiêng, chìm đáy biển khơi...

 

Nhưng than thân mà không trách phận, không oán trách ai. Hơn thế, những người mẹ, người bà kia còn nâng niu và trân trọng sự sống: Cháu là hoa của thơ ngây/ Cháu là cốt nhục tràn đầy sức xuân). Đấy mới là phẩm chất tốt đẹp của những người bà, người mẹ kia và đấy cũng là mục tiêu của bài thơ.

 

Vậy nên chủ thể trong mỗi bài thơ kia chính là số phận thực của nỗi đau thực: xót xa, đắng đót, bi cực, tủi hờn...cuộc sống tưởng như không thể sống nổi mà họ vẫn phải sống, bởi những đứa con, đứa cháu – nạn nhân của HIV đang nằm thoi thóp kia hơn lúc nào hết đang cần đến họ. Nếu chỉ là ăn, là thuốc chữa bệnh thôi cũng quá cơ cực vì nghèo túng, vậy nên phải “Thâu đêm bán cháo nuôi con/ Múc vơi nồi cháo sầu còn chẳng vơi” (Tiếng cháo rao đêm – Khang Biềng) hoặc “Bà gửi đồng quà/ ông cho tấm bánh...(nguyễn Thị Phương). Nhưng lạ thay, điều các tác giả muốn gửi gắm trong những bài thơ kia đâu phải chỉ có nỗi khổ túng thiếu. Rõ ràng: Bệnh quỷ đã có thuốc tiên”.” Người ơi ăn bát cháo hoa/ Mát lòng bà lão, thân già nuôi con(Khang Biềng). Mà cái thiêng liêng cần thiết nhất lúc này là tình thương đối với người mắc bệnh.

 

Vâng tôi muốn nói tới lý do vì sao các bài thơ trên được vào giải và có sự nhất trí cao giữa các vị giám khảo? Xin hãy nghe những câu mở đầu bài thơ Tiếng cháo rao đêm: “Cháo hoa, cháo hoa đây! Người ơi ăn bát cháo hoa/ Mát lòng bà lão thân già nuôi con”. Tiếng rao não lòng tưởng như tiếng gọi khách hàng nhưng đó là tiếng gọi cộng đồng, nhân loại, sâu xa hơn đó là tiếng gọi lương tâm của chính mình: Hãy thương yêu, chia sẻ nỗi đau này với người mắc bệnh HIV/AIDS và với cả gia đình họ. Tác giả chọn hình tượng người bán cháo hoa – loại hàng ăn rẻ tiền nhất và mượn lời rao của người bán cháo – doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé nhất để gửi gắm ý tưởng của chủ đề. Cái ý tưởng ấy tập trung vào 4 câu thơ của bài:

 

Thâu đêm bán cháo nuôi con

Múc vơi nồi cháo, sầu còn chẳng vơi

Sướng vui chìm đáy biển khơi

Thân già lầm lũi biết đời nào vinh?

 

Người mắc bệnh phải chịu bất hạnh là một nhẽ, đằng này những người mẹ tuổi già sức yếu kia, phỏng có làm gì nên tội mà phải gánh chịu hậu quả cho đến mòn hơi tàn sức? Nhiều khi còn nặng nề gấp ngàn lần? bởi cháo thì vơi mà nỗi sầu chẳng thể vơi cho. Mở đầu bài thơ là tiếng rao cháo da diết, xót đau tưởng như để người ta chú ý đến gánh cháo, nhưng kết thúc bài thơ lại “ cháo hoa, cháo hoa ....đây”, tiếng rao như xa dần, hút dần trên con đường vắng để rồi vọng lại dư ba ám ảnh, khía nỗi đau vào tận đáy lòng không nguôi.

 

Bài thơ “ Con là niềm tin” chính là lời tuyên ngôn của người mẹ với con và với tất cả cộng đồng: Hãy tin và yêu thương lấy những đứa con đang mắc bệnh AIDS. Cả bài thơ là bức tranh vừa lãng mạn vừa hiện thực. Lãng mạn bởi nhịp điệu và hình ảnh người mẹ nghèo ngồi hát ru con: “Mẹ mơ đưa võng/ à ơi năm nào/ Mẹ như ngày trước/ lặn lội bờ sông...” nhưng cũng hiện thực bởi cái sự thật sót xa: “Con nằm khổ đau/ ở trên chiếc chõng/ ...Mắc bệnh hiểm ngheo/HIV/AIDS/ mắt con buồn bã/ nghĩ về xa xăm. Điều đáng quý là người mẹ hiểu được quy luật “ Nước mắt chảy xuôi” để mà yên tâm chăm sóc đứa con – cái đứa tuy mình đẻ ra nhưng đem lại cho mình mọi nỗi bất hạnh ở đời. Quý hơn nữa là hình ảnh cộng đồng quây quần chăm bẵm: “Lòng mẹ da diết/ tình dân bao la/ Bà gửi đồng quà/ Ông cho tấm bánh/ Mọi người đều gánh? Nỗi buồn cho con”.

 

Đến đây, trong nỗi rưng rưng cảm động vì cảnh đùm bọc sẻ chia trên, ta mới hiểu ra rằng: “Dù cho thang thuốc đủ đầy/ Không thể thiếu được điều này: tình thương”. Vâng đúng thế, chỉ có tình thương mới cứu rỗi được những linh hồn tội lỗi, mới là thuốc tiên chữa được bệnh “quỷ’ mà tác giả Nguyễn Khắc Tới đã khẳng định. Bài thơ “Lòng bà” của tác giả ngắn gọn, hàm xúc, ý tình gửi gắm không ẩn dụ mà toát lên được vẻ đẹp sáng ngời của người bà đôn hậu. Bà thì già, cháu thì trẻ nhưng bà là sự che chắn vững vàng nhất trong cuộc đời của còn lại của cháu. Trong cảnh đời còn nghèo khổ và đầy sự kỳ thị kia đối với cháu mình, bà dám đánh đổi đời bà cho cháu: “Dù cho khổ nhục ngàn lần/ Chỉ mong cháu được một phần bình yên”. Và việc nuôi đứa cháu “mang căn bệnh mẹ cha lây truyền” cùng với lời tuyên ngôn ấy, lòng bà là tấm lòngvàng, con người bà là tượng đài dựng lên trong cuộc đời cháu:

Lòa xòa xệch xoạng tóc sương

Vẫn làm cho cháu bức tường chở che.

 

Tôi đã lặng người đi khi đọc được dòng thơ này.Với tôi, đây là chân dung đẹp nhất trong bài thơ hay nhất của cuộc thi thơ.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video