Cần đặc biệt quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, no ấm, hạnh phúc, tiến bộ

13/03/2012
Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai mạc Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI ngày 12.3 vừa qua.

Nguyên văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư đánh giá cao truyền thống yêu nước, cách mạng, những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như vai trò, vị trí quan trọng của phụ nữ trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước đồng thời gợi mở một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét.

* Đóng góp của phụ nữ vào phát triển kinh tế - xã hội

Với gần 51% dân số và trên 48% lực lượng lao động xã hội, 5 năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân, các tầng lớp phụ nữ cả nước đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Tham gia vào mọi ngành nghề, lĩnh vực, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam với đức tính cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, đã và đang vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực trong học tập, lao động và công tác, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Báo cáo kết quả nhiệm kỳ 2002-2007 của BCH TW Hội LHPN Việt Nam khoá X đã đánh giá những thành tựu đạt được của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn kết với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày càng được phụ nữ hưởng ứng rộng rãi, được thể hóa vào phong trào thi đua của các cấp, các ngành, địa phương, tạo sự chuyển biến về chất trong phong trào phụ nữ. Trong nhiệm kỳ, đã có trên 11 triệu phụ nữ đạt 3 tiêu chuẩn, 2.419 phụ nữ được công nhận danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc”. Tỷ lệ phụ nữ biết đọc, biết viết đạt 92%; nữ sinh viên chiếm trên 50% trong các trường đại học và cao đẳng; nữ thủ khoa chiếm 61,6% các kỳ tuyển sinh và tốt nghiệp đại học. Đội ngũ nữ trí thức chiếm gần 40% số người có trình độ thạc sỹ, trên 21,4% số người có học vị tiến sỹ, 10,27% số giáo sư và 25,78% phó giáo sư được phong tặng trong 5 năm. Tỷ lệ nữ cấp ủy cấp xã, huyện và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp đều tăng; nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%; nữ công chức trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến trung ương chiếm 31%...

Nhiệm kỳ qua, bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác vận động phụ nữ thời kỳ đầy mạnh CNH- HĐH đất nước. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảmnghèo ngày càng đa dạng, thiết thực. Các phong trào, cuộc vận động hỗ trợ phụ nữ nghèo đã huy động được trên 3.400 tỉ đồng, giúp cho 5,6 triệu lượt phụ nữ nghèo. Tổng dự nợ các nguồn vốn do các cấp Hội quản lý đạt trên 46 nghìn tỉ đồng, giúp 21 triệu lượt phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh; đã tổ chức, phối hợp, liên kết dạy nghề cho hơn 1,1 triệu lao động nữ, giới thiệu việc làm cho trên 800 nghìn lao động nữ; giúp trên 2,7 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ phát triển kinh tế trong đó có gần 450 nghìn hộ đã thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 10.713 Mái ấm tình thương; giúp trên 256 nghìn nữ chủ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức Hội, tham gia các hoạt động Hội ngày càng tăng đạt 72,73%, tăng hơn 9% so với nhiệm kỳ trước…

Nhìn lại sự nỗ lực, phấn đấu trong cả nhiệm kỳ, đã có 14/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X đạt và vượt. Các đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội trong 5 năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân là nữ: 07 Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới, 07 Huân chương Hồ Chí Minh, 110 Huân chương Độc lập các hạng, 1.534 Huân chương Lao động các hạng; 594 Nhà giáo ưu tú, 29 Nhà giáo nhân dân; 655 Thầy thuốc ưu tú, 15 Thầy thuốc nhân dân; 104 Nghệ sĩ ưu tú, 12 Nghệ sĩ nhân dân. Hội LHPN Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng lần thứ 2.

Phụ nữ còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, sinh thành và nuôi dưỡng thế hệ tương lai cuả đất nước. Đóng góp quan trọng vào tổ chức, chăm lo cuộc sống, xây dựng tổ ấm gia đình. Tổng Bí thư ghi nhận: “Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng của các thế hệ phụ nữ ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, và tiếp tục khẳng định lời dạy của Bác Hồ "Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"”.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của phong trào phụ nữ và hoạt động thời gian qua. Phong trào phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ. Định hướng lãnh đạo, chính sách, phương pháp vận động phụ nữ còn thiếu cụ thể, chưa thực sự phù hợp với mọi đối tượng, địa phương. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chưa được đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả thực hiện một số phong trào của Hội chưa cao.

*Cần nâng cao hơn chất lượng hoạt động Hội và phong trào phụ nữ.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ vai trò quan trọng của Hội LHPN Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện chủ trương đẩy mạnh thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Bày tỏ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 – 2017 mà Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa X trình Đại hội, đặc biệt là mục tiêu và các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Bí thư gợi mở một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét. Đó là:

Một, Hội LHPN Việt Nam cần nắm vững và quán triệt thật sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới; tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết có liên quan cũng như thực tiễn hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội Phụ nữ để có những biện pháp cụ thể đưa những quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ, các giới phụ nữ hưởng ứng thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ.

Hai, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, lôi cuốn đông đảo chị em tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như chủ động giải quyết những vấn đề của chính phụ nữ. Phát động nhiều phong trào thiết thực; vận động chị em tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; phụ nữ giúp nhau xoá đói, giảm nghèo; các phong trào vì người nghèo, mái ấm tình thương; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Ba, trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng gia đình - gia đình văn hoá, no ấm, hạnh phúc, tiến bộ; chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh trách nhiệm người công dân, phụ nữ còn có trách nhiệm lớn lao trong gia đình với thiên chức là người mẹ sinh thành và nuôi dạy thế hệ tương lai trở thành người hữu ích cho xã hội. Các cấp hội tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chính sách về hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bà mẹ - trẻ em, bảo vệ môi trường… Phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, bồi dưỡng cho phụ nữ kiến thức về nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ thuần phong, mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nêu cao lòng nhân ái, khoan dung, tính dịu hiền, tình đoàn kết, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi gặp khó khăn, hoạn nạn; lên án những hành vi vô đạo đức, vô trách nhiệm trong quan hệ gia đình.

Bốn, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội để xây dựng, củng cố tổ chức Hội thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Đa dạng hoá nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ. Hướng mạnh hoạt động về cơ sở, khu dân cư; cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ để tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hoá trong hoạt động của Hội.

Năm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu công tác Hội trong giai đoạn mới, đồng thời góp phần tạo nguồn cán bộ nữ cho các cấp, các ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp vận động phụ nữ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh và vị trí công việc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua hoạt động thực tiễn. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Sáu, Hội LHPN Việt Nam cần tổ chức thật nghiêm túc việc quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị tới toàn thể cán bộ, hội viên của Hội; đồng thời hướng dẫn để cán bộ, hội viên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bảy, nhiệm kỳ tới của Hội công việc sẽ nhiều thêm, có những việc khó khăn và phức tạp hơn, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ Hội đủ sức lãnh đạo phong trào và công tác của Hội. Tại Đại hội này, cùng với việc đóng góp vào Báo cáo chính trị, Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung), các đại biểu Đại hội còn một nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội bao gồm các đồng chí có phẩm chất, năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao, đủ sức lãnh đạo phong trào và công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới; chú ý đến cơ cấu, tỉ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, công nhân, lao động và cán bộ nữ trẻ có triển vọng.

Tám, công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới, tổ chức lãnh đạo cũng như xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị; quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội. Các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; chú trọng tuyên truyền gương phụ nữ điển hình tiên tiến; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video