Cần bảo đảm quyền bình đẳng cho lao động nữ khi xuất khẩu lao động

30/11/2010
Trong những năm gần đây, chính sách xuất khẩu lao động đối với lao động nữ được xây dựng trên tinh thần bình đẳng giới mà điển hình là việc QH đã ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn Luật khác. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn không ít bất cập...

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2000- 2009, tổng số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài là  hơn 231.700 người, tại một số thị trường chủ yếu như Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Macao, Hàn Quốc, gồm các ngành nghề sản xuất chế tạo chiếm 42,2%; làm việc trong gia đình và khoán hộ công chiếm 50,98%; dệt may 1,08%; nông nghiệp 1,1%... Lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài nói chung và lao động nữ nói riêng đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, cho gia đình cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại nước sở tại. Ngoài số tiền gần 2 tỷ USD người lao động gửi về nước hàng năm, khi  hết thời hạn hợp đồng, người lao động đã có nghề để tham gia thị trường lao động trong nước.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả người lao động đi làm việc tại nước ngoài như các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động... Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định, tỷ lệ nữ lao động làm việc ở nước ngoài thấp do xã hội Việt Nam vẫn coi trách nhiệm chăm sóc gia đình là của phụ nữ; tiếp theo là nhu cầu tiếp nhận lao động nữ của thị trường nước ngoài không bằng lao động nam. Trên thực tế, thu nhập trung bình của lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam do lao động nam có sức khỏe tốt hơn, có thể làm việc trong các nghề nặng nhọc hơn. Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động thường chấm dứt hợp đồng nếu lao động nữ mang thai và sinh con. Còn theo đánh giá của Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Nguyên Cường, khả năng tìm kiếm việc làm có thu nhập cao của phụ nữ vẫn chiếm tỷ trọng thấp và gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng và bóc lột hơn nam giới. Số lao động nữ của Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng dần theo các năm nhưng tỷ lệ vẫn thấp hơn trung bình khoảng 30% so với nam giới.

Theo một báo cáo của Quỹ Phát triển phụ nữ Liên Hiệp Quốc (UNIFEM), nhu cầu thị trường lao động nước ngoài đối với lao động nữ không cao và đa dạng như lao động nam; thu nhập trung bình của lao động nữ cũng thấp hơn do những công việc mang tính chất đặc thù về giới, ví dụ như những công việc hộ lý, giúp việc nhà… nên dễ bị lạm dụng. Cũng theo UNIFEM, điều đáng lo ngại hơn hiện nay là nhiều chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này chưa được thể chế hóa, dẫn đến có quá nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các kênh không chính thống.

Mới đây, Quỹ UNIFEM vừa tổ chức hội nghị tập huấn truyền thông Hãy cùng nhau hành động vì những người phụ nữ đi làm việc tại nước ngoài, góp phần thúc đẩy quyền của người phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam. Một trong những mục tiêu chính là thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, người lao động nhất là đối tượng lao động nữ được thông tin đầy đủ về chương trình di cư lao động, tránh tình trạng nhiều lao động đi làm việc tại nước ngoài thông qua các kênh không chính thống. Trưởng đại diện Quỹ UNIFEM Suzette Mitchell cho biết, Dự án được triển khai phù hợp với chương trình tiểu khu vực, được tổ chức tại một số quốc gia như Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines…

Để tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ đi làm việc tại nước ngoài, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, đã đến lúc cần có thêm những quy định pháp lý, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho lao động nữ Việt Nam thực hiện quyền bình đẳng của mình trong việc tìm kiếm cơ hội và nâng cao thu nhập khi xuất khẩu lao động.

Theo NĐBND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video