Cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc XII

23/09/2016
Ngày 22/9, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII tại tỉnh Bắc Ninh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị và Điều lệ Hội (sửa đổi bổ sung).

Các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo chính trị tập trung vào các nội dung các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm; hệ thống chỉ tiêu; các khâu đột phá; phong trào thi đua và các cuộc vận động nhiệm kỳ tới.

Cụ thể, chỉ tiêu tham mưu đề xuất chính sách/chương trình/ đề án liên quan đến phụ nữ, ở cấp tỉnh chỉ tiêu 2 chính sách/ chương trình/ đề án là phù hợp nhưng đối với cấp huyện nên giảm xuống 1 sẽ khả thi hơn.

Chỉ tiêu phát triển hội viên cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn vì nếu theo cách tính con số tăng là con số sau khi đã lấy số hội viên mới trừ đi số hội viên giảm thì sẽ khó khăn cho địa phương. Các ý kiến trăn trở, có nên không việc không đặt nặng, quan tâm quá nhiều đến con số hội viên cụ thể, mà nên hướng tới số lượng hội viên thực chất, chất lượng…

Đối với nhiệm vụ trọng tâm 1, tiểu mục 1.1 nên viết ngắn gọn thành “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện” để đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ. Hơn nữa, từ “toàn diện” đã bao hàm đủ mọi thành tố “trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo…” như dự thảo văn kiện hiện nay đang diễn giải.

Tương tự, ở nhiệm vụ 2, tiểu mục 1.2 cũng nên thể hiện ngắn gọn “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, không nên diễn đạt thêm cụm từ “tổ ấm hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người”.

Có ý kiến băn khoăn về nhiệm vụ thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với cấp cơ sở sẽ khó khăn do trình độ của cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đóng góp vào dự thảo Điều lệ Hội (bổ sung, sửa đổi), các ý kiến tập trung vào một số vấn đề chính sau:

Về quy định tư cách pháp nhân của Hội, đa số các ý kiến cho rằng không cần quy định tư cách pháp nhân trong Điều lệ vì tư cách này đã được khẳng định trong Hiến pháp - đạo luật cao nhất của đất nước.

Chức năng đại diện của Hội đang có hai luồng ý kiến khác nhau, một số ý kiến cho rằng Hội chỉ nên đại diện cho hội viên và các tổ chức thành viên như trong Hiến pháp quy định. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng Hội cần đại diện cho tất cả các tầng lớp phụ nữ để thể hiện tính liên hiệp rộng rãi, đúng như tên của tổ chức.

Quy định về công nhận hội viên và hội phí cũng nhận được sự quan tâm với sự chia sẻ từ thực tiễn cơ sở. Theo đó, một số ý kiến cho rằng, việc công nhận hội viên nên được nhìn nhận thoáng hơn, rộng hơn để tạo điều kiện và thu hút rộng rãi phụ nữ tham gia tổ chức Hội.

Hội phí nên quy định miễn giảm đối với đối tượng khuyết tật, thuộc diện bảo trợ xã hội chứ không nên quy định miễn giảm đối với đối tượng hội viên cao tuổi.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội LHPN cơ sở trong Điều lệ.

Mô hình tổ chức bộ máy của Hội nên để như hiện nay (chỉ phân chia và quản lý đến cấp chi hội, còn việc phân chia thành các tổ hội là tuỳ thuộc điều kiện thực tiễn của từng cơ sở và do các cơ sở tự chia).

Các ý kiến được đoàn công tác Trung ương Hội tiếp thu, ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội.

Được biết, hiện nay, Trung ương Hội đang tiến hành tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhằm phát huy cao nhất trí tuệ, dân chủ, đóng góp của phụ nữ vào đường hướng hoạt động, phát triển của Hội trong nhiệm kỳ 2017- 2022.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video