Cần giải quyết sự vô cảm về giới trong truyền thông

30/06/2015
Theo đánh giá của các chuyên gia, truyền thông đối với việc thực hiện bình đẳng giới không những phản ánh mà còn thay đổi nhận thức, tư duy, hành động, tạo ra bình đẳng giới trong toàn xã hội.

Quan điểm bình đẳng giới trong môi trường làm việc truyền thông và bình đẳng giới trong công tác đưa tin đều có tính quan trọng như nhau. Nó đang được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Phụ nữ LHQ (UNWomen) và Liên đoàn nhà báo quốc tế (IFJ) tích cực theo đuổi. Ngày 23/6/2015, 3 tổ chức này công bố kết quả công trình nghiên cứu “Đằng sau những tin tức: Thách thức và nguyện vọng của nữ nhà báo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD)”, nhấn mạnh đến các tác động về giới trong cuộc sống và công việc của các nhà báo trong khu vực.

Bà Roberta Clarke, Giám đốc UNWomen khu vực CA-TBD, cho biết: Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết khi phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với phương tiện truyền thông cả trong việc xây dựng nội dung, việc ra quyết định xóa bỏ các khuôn mẫu về giới. Những phương tiện truyền thông có trách nhiệm lớn trong việc xóa bỏ tình trạng phân biệt và định kiến giới vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, 20 năm sau, truyền thông vẫn đang là lãnh địa riêng của nam giới. Hiện ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia ngành công nghiệp truyền thông ở các nước CA-TBD nhưng trên thực tế, chỉ có 27% phụ nữ đảm nhiệm các công việc quản lý hàng đầu trong các tổ chức phương tiện truyền thông, 21% các nhà làm phim là phụ nữ và chỉ có 23% các bộ phim có phụ nữ làm nhân vật chính. Họ thường có mức lương thấp hơn nam giới, đối mặt với nạn quấy rối tình dục và còn nhiều trở ngại trong cuộc đấu tranh giành các vị trí ra quyết định.  

 

Tại Nam Á, phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên được báo chí miêu tả là “nạn nhân” trong các vụ việc, còn ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, phụ nữ thường được miêu tả là “đối tượng tình dục” hay là “người của gia đình”.

 

Do đó, theo UNESCO, UNWomen và IFJ, các phóng viên cần phải được đào tạo kiến thức về quan điểm giới và tính nhạy cảm giới. Các nhà báo, người viết kịch bản và các diễn giả, phát thanh viên cũng cần được cung cấp một bộ từ điển sử dụng các thuật ngữ về nhạy cảm về giới.  

 

Ngoài ra, truyền thông có trách nhiệm thông báo và giúp công chúng hiểu rõ các công ước quốc tế quy định bình đẳng giới là một quyền cơ bản của con người, các tác động tiêu cực từ tình trạng phân biệt đối xử, các định kiến giới, ý thức hệ xã hội-văn hóa suy đồi, các hủ tục...  

 

Để giải quyết tận gốc rễ sự vô cảm về giới của báo chí, các cơ quan truyền thông cần tạo thuận lợi cho việc áp dụng Bộ chỉ số về Giới trong truyền thông (GSIM) của UNESCO bao quát các lĩnh vực, cụ thể hóa bằng những chỉ số bình đẳng giới tại cấp ra quyết định như các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ báo chí, truyền thông, đồng thời cũng đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong nội dung truyền thông từ việc sản xuất tin tức, thời sự đến lĩnh vực quảng cáo.  

 

“Phụ nữ làm nên tin tức

 

UNESCO đã đưa ra sáng kiến “Phụ nữ làm nên tin tức” kêu gọi các cơ quan báo chí, truyền thông hưởng ứng tăng cường tính đại diện của phụ nữ trong thông tin truyền thông; xây dựng các chuyên san về phụ nữ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghiệp vụ biên tập. Tạo điều kiện để phụ nữ có sự nghiệp bình đẳng trong ngành công nghệ thông tin - truyền thông không chỉ là một việc làm đúng đắn xét trên quan điểm công bằng xã hội mà còn là cách để hiện thực hóa nền kinh tế tri thức.

 

* Phụ nữ trong ngành truyền thông khu vực CA-TBD

Phóng viên (30%), biên tập viên (11%), phụ trách chuyên trang (8%), sản xuất (7%), phóng viên ảnh (5%), thiết kế (2%), hỗ trợ truyền thông (2%), quay phim (1%).

 

*23% phụ nữ ở cấp biên tập viên trung cấp, 20% ở cấp biên tập viên cao cấp và 18% là giám đốc điều hành các thương tiện truyền thông.

* Quấy rối tình dục vẫn là một vấn đề đáng quan ngại: 18% nữ nhà báo bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

* Khoảng cách tiền lương: 69 USD (mức lương tháng trung bình của nữ là 437 USD, còn nam giới là 506 USD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video