Cần lồng ghép giới và quyền trẻ em vào các tiểu đề án chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

09/06/2020
Tại phiên thảo luận ở tổ chiều nay, 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường lồng ghép giới và quyền trẻ em vào các tiểu dự án của Chương trình này.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, chiều nay 8/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ với 4 nội dung quan trọng về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trong đó, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm, góp ý kiến, thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: 2 đối tượng phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số có thể coi là "góc khuất của góc khuất" , bởi vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã là góc khuất trong tiếp cận các chính sách mà phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số lại càng khó khăn tiếp cận hơn nên họ vẫn luôn là "góc khuất của góc khuất".

Trong việc triển khai các tiểu đề án trong Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Mai Hoa tha thiết đề nghị lồng ghép giới, lồng ghép quyền trẻ em vào các tiểu đề án khác nhau trong chương trình mục tiêu Quốc gia.

Phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số được coi là "góc khuất của góc khuất" trong tiếp cận các chính sách. Vì vậy cần thực hiện lồng ghép giới và quyền trẻ em vào các tiểu đề án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh minh họa

Đại biểu này cho rằng, ngoài dự án dành riêng cho đối tượng phụ nữ, thì "chúng tôi rất thiết tha lồng ghép thêm vào các dự án khác", ví dụ như lồng chỉ tiêu phần trăm phụ nữ vùng dân tộc thiểu số vào lập kế hoạch, tổ chức thực hiện dự án nông lâm nghiệp, chăn nuôi trong tiểu dự án 1, tiểu dự án 2 của Chương trình; hoặc lồng tỷ lệ phần trăm ngân sách các tiểu dự án trong dự án 3 được dành cho các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới thực hiện bởi các hộ dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ đóng vai trò trụ cột kinh tế.

Đại biểu Mai Hoa nêu quan điểm, nếu quan tâm tới những đối tượng này nhiều hơn thì sẽ có tác động rất lớn tới các gia đình vùng dân tộc thiểu số. Trong các tiểu đề án khác nhau đều có thể lồng ghép mà đối tượng thụ hưởng là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần đạt được 2 mục tiêu lớn mà chúng ta đang thực hiện là bình đẳng giới và tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em.

Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, đoàn ĐBQH Bình Phước cho rằng với những cơ chế, chính sách mà chương trình hướng tới, nhiều kỳ vọng chương trình sẽ đem lại diện mạo mới cho vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của chương trình, cần thiết phải rà soát để tránh chồng chéo, phân tán nguồn lực. Xác định rõ trong giai đoạn 10 năm, trong vùng dân tộc thiểu số sẽ có bao nhiêu xã, bao nhiêu vùng vươn ra khỏi khu vực nghèo, khó khăn…

Thảo luận tại các tổ, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về các vấn đề như chủ trương đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những vấn đề đặt ra như phân định vùng nào là dân tộc thiểu số và miền núi, bao nhiêu phần trăm  là người dân tộc thiểu số? Nơi có người dân tộc thiểu số di cư tới chiếm tỷ lệ lớn thì có trở thành vùng dân tộc thiểu số?…

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video