Cần một chiến lược dài hơi hơn trong công tác nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam

26/03/2013
Làm thế nào để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới là nội dung thu hút sự tham gia thảo luận của đông đảo các đại biểu đến từ TW Hội LHPN Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các Viện nghiên cứu về vấn đề giới và các tổ chức quốc tế tại hội thảo “Nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng giới Hàn Quốc (KIGEPE) tổ chức ngày 21/3 tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển (20 Thụy Khuê – HN).

Đề cập về thực trạng giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội – Trường Đại học KHXH&NV – ĐH QGHN chia sẻ: Những năm gần đây, đào tạo giới ở nước ta đã bắt đầu được chú trọng. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn còn là vấn đề đáng bàn vì thực tế trình độ của đội ngũ giảng viên làm về giới vẫn còn hạn chế, tài liệu về vấn đề này dù nhiều, nhưng phần lớn là tiếng nước ngoài nên không phải ai cũng tiếp cận được. Đó là chưa kể bộ môn này mới chỉ được đào tạo trong một số khoa, ngành chuyên ngành xã hội như: xã hội học, tâm lý học, công tác xã hội…

Tương tự, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, hoạt động nghiên cứu về giới ở nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế cả về nội dung lẫn phương pháp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu những khác biệt trong việc tiếp cận và cơ hội giáo dục, đặc biệt là trong các nhóm nghèo, dân tộc thiểu số, nông thôn. Còn các nội dung về mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố, nhóm con em di cư… vẫn chưa được đề cập. Hay về vấn đề khuôn mẫu trong sách giáo khoa, các nghiên cứu cũng mới chỉ ra rằng, định kiến giới khá rõ và có tác động tiêu cực đến nhận thức học sinh. Tuy nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng sách giáo khoa; các cách thức cụ thể nhằm thay đổi nhận thức giới của người dạy và người học; đo lường tác động của các thông điệp, các yếu tố tác động đến nhận thức học sinh trong bối cảnh thông tin đa chiều… vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Phương pháp nghiên cứu còn nặng về thực tiễn cụ thể, thiếu hệ thống hóa, khái quát, tổng kết thực tiễn. Chưa quan tâm đến tính đặc thù khi vận dụng lý thuyết giới trong điều kiện nước ta. Đó là chưa kể quy mô của các cuộc nghiên cứu hầu hết là không lớn, ít có khả năng so sánh; kỹ thuật phân tích đơn giản, độ tin cậy không cao…

Từ thực tế này, theo PGS,TS Hoàng Bá Thịnh, chưa bao giờ nhu cầu nghiên cứu, đào tạo thúc đẩy bình đẳng giới lại đặt ra bức thiết như hiện nay. Tuy nhiên, để tránh được tình trạng “trăm hoa đua nở”, đào tạo theo kiểu chạy theo hình thức, trước hết cần phải làm tốt vai trò đào tạo chính quy nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Muốn làm được điều này, Hội LHPN Việt Nam – với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, có chức năng vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới – phải xây dựng được chiến lược về công tác cán bộ, quy hoạch tạo nguồn chuyên gia giỏi, đào tạo phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bình đẳng giới. Đồng thời, Hội cần xây dựng chương trình hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, có chính sách thu hút các chuyên gia về giới tham gia đào tạo. Hội cũng cần xác định mục tiêu đến năm 2020 trở thành đơn vị hàng đầu trong nước về đào tạo nguồn nhân lực về giới và phát triển mà mục tiêu cụ thể trước mắt là Học viện Phụ nữ Việt Nam cần phải xúc tiến thành lập khoa Giới và phát triển hoặc Nghiên cứu giới để tuyển sinh đào tạo bậc cử nhân về giới.

Chia sẻ về những thành công trong công tác nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới của Hàn Quốc, GS. Jun Gil Jang (Viện Giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới Hàn Quốc) cho biết: Sau 10 năm thành lập (2003), Viện Giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới Hàn Quốc đã đào tạo về bình đẳng giới cho 43.854 người trong tổng số 600.000 cán bộ công chức của nước này. Sở dĩ có được một con số ấn tượng như vậy, bên cạnh việc chính phủ nước này có những quy định, chính sách hỗ trợ cho hoạt động đào tạo về bình đẳng giới (như yêu cầu cán bộ công chức nhà nước phải được đào tạo về vấn đề bình đẳng giới trước khi được tuyển dụng vào các cơ quan) thì bản thân Viện Giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới Hàn Quốc phải luôn nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy. Một trong những phương pháp được áp dụng thành công nhất trong các buổi tập huấn là phương pháp ice – breaking (phá băng) và các trò chơi dân gian (trò chơi yutnolri). Đây là những phương pháp đơn giản hóa các vấn đề đặt ra, giúp học viên có thể tiếp thu nội dung một cách dễ dàng hơn…

Với nhiều ý kiến tham gia thảo luận, đóng góp tích cực của các đại biểu, hội thảo “Nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới” đã đạt được mục tiêu đề ra là góp phần tìm ra những bước đi dài hơi hơn trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Thu Hương- Ban Tuyên giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video