Cần thể chế hóa vai trò tham gia quản lý Nhà nước của Hội LHPN Việt Nam

16/12/2016
Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 13/12/2016.

Ngày 13/12/2016, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước nhằm đánh giá việc thực hiện, chuẩn bị cho công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định được tổ chức vào năm 2017, qua đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương bình và xã hội, Bộ Tư pháp, Hội LHPN TP. Hà Nội và các chuyên gia về giới, luật pháp.

Phát biểu đánh giá việc thực hiện Nghị định, các đại biểu đều khẳng định: Nghị định được triển khai nghiêm túc; Hội LHPN các cấp đã tích cực tham mưu công tác phối hợp với các cấp, các ngành và đã chủ động kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị định. Đồng thời cũng chỉ ra hạn chế như: nhận thức về trách nhiệm đảm bảo cho Hội tham gia quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành chưa đồng đều, nơi nào Hội tham mưu tốt thì Nghị định được thực hiện tốt; sau 4 năm triển khai, vẫn còn 06 tỉnh chưa có quy chế phối hợp giữa UBND với Hội LHPN; quy chế phối hợp ở nhiều địa phương còn chung chung, hình thức, không rõ ràng, cụ thể....

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của hạn chế, các đại biểu đề nghị: việc sơ kết Nghị định phải thực hiện căn cơ, bài bản làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung để Nghị định đi vào thực tiễn cuộc sống, phù hợp với bối cảnh tình hình mới, thể chế hóa vai trò tham gia quản lý Nhà nước của Hội LHPN Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Xuân Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ cho biết: Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp tiến hành sơ kết lần thứ 2 việc thực hiện Nghị định và Bộ Nội vụ đang tổng hợp báo cáo chuẩn bị sơ kết toàn quốc 5 năm thực hiện Nghị định. Ông Trần Xuân Hiền cũng đánh giá cao nỗ lực của các cấp Hội LHPN Việt Nam trong triển khai thực hiện Nghị định, đặc biệt là sáng kiến tổ chức Hội thảo tham vấn việc sửa đổi, bổ sung Nghị định một cách kịp thời. Ông Hiền mong muốn Hội tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến để có cơ sở tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo việc thể chế hóa vai trò của các cấp Hội trong tham gia quản lý nhà nước.

Bà Đỗ Thị Thoan –nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, VP TW Đảng cho rằng Nghị định 56 còn nhiều khoảng trống, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Hiến pháp, Chỉthị, Nghị quyết, văn bản pháp luật gần đây của Đảng, Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới và vai trò của Hội LHPN Việt Nam cũng như bối cảnh tình hình hiện nay. Chỉ ra hạn chế của Nghị định 56 là chưa đảm bảo để Hội tham vấn từ đầu mà chỉ ở khâu cuối, bà Đỗ Thị Thoan đề nghị: Nghị định cần sửa đổi để Hội được tham gia ngay từ đầu của quá chính xây dựng chính sách, luật pháp, đảm bảo cho Hội thực hiện tốt chức năng tham vấn, đánh giá tác động chính sách pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của từng bộ/ngành cụ thể để đảm bảo việc tham gia quản lý nhà nước của các cấp Hội; quy định rõ nguyên tắc phối hợp giữa bộ, ngành UBND các cấp với các cấp Hội.

 Ảnh minh họa

 Các đại biểu tham gia hội thảo


Đồng tình với quan điểm của bà Thoan, bà Trần Thị Lan – nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Trưởng ban Tổ chức Hội LHPN Việt Nam chỉ ra những khoảng trống của Nghị định 56, đặc biệt là cơ chế làm việc giữa Chính phủ và Hội LHPN Việt Nam. Bà Lan đề nghị bổ sung: định kỳ hàng năm Chính phủ làm việc với Hội để đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị định và đơn vị đầu mối trong tổ chức thực hiện Nghị định là Văn phòng Chính phủ; bổ sung quy định làm rõ vai trò của Hội trong việc tham gia quản lý nhà nước đối với công tác cán bộ nữ và công tác phối hợp để thúc đẩy sự phát triển của cán bộ nữ các cấp, các ngành.

Bà Lê Thị Ngân Giang – Giám đốc Công ty Luật Hòa An đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Nghị định phải trên cơ sở tổng kết và bám sát vào các Chỉ thị, Nghị quyết, luật pháp chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

TS. Vương Thi Hanh -Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) nhận định: đây là thời điểm hợp lý đặt ra việc sửa đổi Nghị định 56 để đảm bảo sự tham gia của Hội LHPN các cấp tham gia quản lý nhà nước. Bằng việc khái quát quy định của các văn bản, chỉ thị, nghị quyếtcủa Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ trong các thời kỳ, TS. Vương Thị Hanh chỉ ra rằng: công tác cán bộ nữ đang đặt nặng lên vai Hội LHPN Việt Nam, trong khi đây là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước. Tiến sĩ đề nghị Nghị định cần được sửa đổi theo cách tiếp cận mới hơn, làm rõ các nội dung, điều kiện mà các cấp, các ngành phải đảm bảo để Hội phụ nữ các cấp tham gia quản lý nhà nước.

Cho rằng định kiến giới vẫn đang tồn tại ngay trong việc thực hiện Nghị định 56 khi các cấp, các ngành luôn đưa ra hạn chế về năng lực của Hội trong việc tham mưu thực thiện Nghị định trong khi không nhận thức rõ trách nhiệm của mình, Bà Trần Thị Hòa – nguyên Phó ban Quốc tế Hội LHPN Việt Nam đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong thực hiện Nghị định.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, kết quả sơ kết việc thực hiện Nghị định 56 của Bộ Nội vụ và Hội LHPN Việt Nam và kết quả đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới là chất liệu quan trọng để thể chế hóa vai trò của các cấp Hội trong tham gia quản lý nhà nước.

Ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH cho rằng đã đến lúc cần có luật về phụ nữ hoặc luật Hội phụ nữ để đáp ứng công tác phụ nữ hiện nay. Đồng thời đề nghị Hội phối hợp đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video