Cần tư duy mới, cách tiếp cận mới về bình đẳng giới

06/12/2018
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đề xuất cần phải có cách tiếp cận mới về bình đẳng giới theo quan điểm tiến bộ của thế giới; trong đó, không phải là đòi quyền cho phụ nữ mà cần phải thực sự coi phụ nữ là nguồn lực để đạt được phát triển bền vững.

Ngày 5/12, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức chương trình Tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và Hội nhập quốc tế: Bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ”.

Tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng trao đổi, thảo luận về chuyên đề: “Cách tiếp cận vấn đề bình đẳng giới trên thế giới hiện nay và những vấn đề đặt ra với Việt Nam”. Đồng thời, bà Nguyễn Nguyệt Nga, Đại sứ, Cố vấn cao cấp của Học viện Ngoại giao, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn Diễn đàn APEC, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương đã giới thiệu, trao đổi về chuyên đề “Kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng: Những yêu cầu mới về công tác bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ Việt Nam”.

Bà Nguyễn Phương Nga cho biết: Các vấn đề đặt ra với Việt Nam trong bổi cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế điển hình vẫn là chậm chuyến biến nhận thức về địa vị của phụ nữ từ xã hội, gia đình, trong cơ quan, nhà trường. Cùng với đó là định kiến xã hội, nhấn mạnh vai trò của nam giới và còn tồn tại tâm lý e ngại, tự ti của chính người phụ nữ.

Ngoài ra, trở ngại không nhỏ nữa là đội ngũ lao động nữ hiện nay chủ yếu vẫn lao động giản đơn, trình độ tay nghề thấp, lương thấp, việc làm không ổn định. Nhìn chung vẫn chưa tạo cơ hội thực sự bình đẳng cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý.

Bà Nguyễn Phương Nga đề xuất cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới theo quan điểm tiến bộ của thế giới. Bình đẳng giới không phải là đòi quyền cho phụ nữ mà là cần phải thực sự coi phụ nữ là nguồn lực để đạt được phát triển bền vững.

 Ảnh minh họa

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (bên trái) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ với các đại biểu tại tọa đàm


Đồng thời, phụ nữ không phải chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà phải là người tham gia xây dựng, hoạch định chính sách và thực hiện chính sách. Phụ nữ tham gia xây dựng, hoạch định chính sách sẽ có được cái nhìn tổng thể, có góc nhìn về giới hơn, tránh phân biệt đối xử về giới;  “phụ nữ không đòi hỏi được ưu tiên mà chỉ cần bình đẳng trong mọi lĩnh vực, như được bình đẳng về cơ hội đào tạo, việc làm, quy hoạch, thăng tiến, tuổi nghỉ hưu, phụ nữ có quyền lựa chọn”…

Bên cạnh đó, nữ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng khẳng định vai trò quan trọng của nhà lãnh đạo trong thực hiện bình đẳng giới. Ở đâu người lãnh đạo là người tiên phong đi đầu, biết đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của phụ nữ thì ở đó có bình đẳng giới.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã cung cấp cho các đại biểu bức tranh khái quát và toàn diện về bối cảnh, thách thức của kỷ nguyên số với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình thế giới biến chuyển vô cùng nhanh chóng và phức tạp hiện nay, trong đó hợp tác đa phương vẫn là xu thế tất yếu trên thế giới; tình hình, chủ trương, nhiệm vụ của nước ta về hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương được Đảng ta đề ra trong Chỉ thị số 25 mới đây của Ban Bí thư; những thách thức, nguy cơ tụt hậu đặt ra đối với Việt Nam nói chung và công tác bình đẳng giới ở nước ta nói riêng.

 Ảnh minh họa

Toàn cảnh buổi tọa đàm 


Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đặc biệt nhấn mạnh, đẩy mạnh bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ  nữ là xu thế quốc tế lớn của thế kỷ 21;để nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trước những thách thức đặt ra của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình hiện nay đòi hỏi phải đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong công tác bình đẳng giới, nâng cao vai trò phụ nữ nước ta, phải sáng tạo, phát huy năng lực, trí tuệ, tính thích ứng nhanh của phụ nữ; phải gắn với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế vì phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng thế giới.

Đối với nữ lãnh đạo ở các bộ, ban, ngành, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh, bên cạnh phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, nữ lãnh đạo phải sáng tạo, phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực khởi xướng, điều hành, dẫn dắt, phải chủ động tận dụng cơ hội, khả năng thích ứng, thích nghi, ứng phó hiệu quả với những thách thức đặt ra.

Đối với công tác của Hội LHPNVN, Đại sứ Nguyệt Nga cho rằng cần quan tâm gắn kết hơn với bồi dưỡng và phát huy sự tham gia của nữ thanh niên; công tác khen thưởng phụ nữ xuất sắc tiêu biểu cũng cần quan tâm hơn đến ghi nhận thành tích của phụ nữ xuất sắc tiêu biểu thuộc các bộ ngành, nữ thanh niên, kể cả nữ trong thể thao đỉnh cao.

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu của Trung ương Hội LHPNVN, nữ lãnh đạo các bộ, ban ngành, một số cán bộ Hội LHPNVN và Bộ Ngoại giao. Các đại biểu đã được cập nhật kiến thức về kỷ nguyên số trên thế giới, hội nhập quốc tế của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm công tác bình đẳng giới trên thế giới và sự tham gia của nữ lãnh đạo trong hội nhập quốc tế của nước ta, đồng thời thảo luận về giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức đặt ra đối với phụ nữ, làm thế nào để cân bằng công việc và gia đình, ứng phó với thách thức và tận dụng cơ hội của kỷ nguyên số, nâng cao vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.

Chương trình này trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị" do Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) tài trợ.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video