Cần ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao quyền năng của phụ nữ

01/03/2021
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO khẳng định: Chính sách nhất quán của Việt Nam phát huy cao độ vai trò và tiềm năng lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực.
Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tham dự Hội nghị thành lập Mạng lưới quốc tế tại Paris tiên phong về bình đẳng giới theo hình thức trực tuyến.

Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã tham dự Hội nghị thành lập Mạng lưới quốc tế tại Paris (Pháp) tiên phong về bình đẳng giới theo hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị thành lập Mạng lưới quốc tế tại Paris tiên phong về bình đẳng giới (International Gender Champions IGC - Paris Hub) có Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU Martin Chungong, Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO Audrey Azoulay, Tổng Thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD Angel Guria, Tổng thư ký Diễn đàn bình đẳng thế hệ 2021 Delphin O cùng đông đảo các Đại sứ, đại diện thường trực các nước tại Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, UNESCO, OECD, Đại sứ các nước, Giám đốc các viện nghiên cứu tại Pháp.

Hội nghị đánh giá, đại dịch COVID-19 với những hệ lụy sâu rộng chưa từng có đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, kéo lùi những thành tựu trong thu hẹp khoảng cách giới những năm vừa qua, đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ như mất việc làm, gia tăng khoảng cách số, khoảng cách giới trong lãnh đạo ở cả khu vực nhà nước và tư nhân, bạo lực giới và tình trạng thiếu nguồn lực cho việc triển khai các chương trình nâng cao quyền năng phụ nữ.

Theo đó, các đại biểu nhất trí cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa bình đẳng giới, tiến bộ xã hội và tăng trưởng vì mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tự cường. Phụ nữ và trẻ em gái cần được đặt ở vị trí trung tâm trong các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội do tác động của đại dịch COVID-19.

Hiện nay cần ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao quyền năng của phụ nữ, nhất là quyền năng kinh tế, bảo đảm yếu tố giới trong các chính sách, bảo đảm sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội, gắn kết các nỗ lực, cơ chế ở từng quốc gia, khu vực với nỗ lực toàn cầu.

Với việc thành lập Mạng lưới quốc tế tại Paris tiên phong về bình đẳng giới, các đại biểu khẳng định mạnh mẽ cam kết và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, đề ra các biện pháp và thu hút các nguồn lực cần thiết để nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam phát huy cao độ vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; vai trò và đóng góp của phụ nữ cũng luôn được đề cao trong các tiến trình và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng chia sẻ những sáng kiến và nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 trong tăng cường hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nổi bật là việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh, Hội nghị quốc tế tầm toàn cầu về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh....

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh những kết quả quan trọng của các hoạt động đó đã góp phần đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế về thúc đẩy bình đẳng giới trong năm 2020 - năm dấu mốc kỷ niệm 20 năm Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh và 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Tại Hội nghị, các thành viên đánh giá cao đóng góp tích cực, chủ động và vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn mới.

Mạng lưới quốc tế tiên phong về bình đẳng giới (IGC) là mạng lưới các nhà lãnh đạo, gồm những người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các phái đoàn thường trực hoặc các viện nghiên cứu, thành lập đầu tiên năm 2015 tại Geneva, và được mở rộng sang các trung tâm ở New York, Vienna, Nairobi và La Haye.

Ý tưởng thành lập Mạng lưới quốc tế tại Paris tiên phong về bình đẳng giới được đề xuất tại Diễn đàn Hòa bình Paris năm 2019.

ĐCSVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video