Cảnh giác với thủ đoạn buôn bán phụ nữ thông qua Trung tâm giới thiệu việc làm

05/10/2006
Gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xuất hiện một thủ đoạn mới của bọn buôn bán phụ nữ với những hành vi tinh vi, xảo quyệt thông qua các Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL). Chính vì vậy, các cô gái trẻ cần tìm hiểu kỹ các TTGTVL trước khi quyết định tìm việc thông qua hình thức dịch vụ này.

Thống kê của Sở Lao động – TBXH Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thủ đô có 688 trung tâm có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm, chỉ có 11 trung tâm của các đoàn thể xã hội hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước, số còn lại chỉ có 3-5% hoạt động hiệu quả.

 

Ngày 1/10, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an TP. Hà Nội đã phá một một vụ án về đường dây buôn bán phụ nữ thông qua dịch vụ tuyển lao động tại các trung tâm tìm việc do Khuất Thị Lan Viên - một đối tượng tượng lang thang, không nghề cầm đầu. Hiện Viên đã bỏ trốn và đang bị truy nã ráo riết. Trịnh Thị Vân - đồng bọn với Vân bị bắt giữ khai nhận: Ngày 16/8, sau khi cùng Viên ở Lạng Sơn về, Vân, Viên cùng mua một tờ báo để xem địa chỉ tuyển nhân viên tại các TTGTVL. Viên, Vân đã tới một TTGTVL gần bến xe Mỹ Đình, nơi có nhu cầu tuyển 2 phụ nữ trẻ trông trẻ nhỏ và người già tại Bắc Ninh. Tại đây, Giám đốc TTGTVL đã giới thiệu 2 cháu T.T.N (sinh năm 1992) và H.T.T (sinh năm 1989) cùng ở Vĩnh Phúc. Ngay trong ngày, chúng đã đưa các cháu lên Lạng Sơn và bán sang Trung Quốc với giá 4.500-5.000 NDT. Qua khai thác, Vân còn khai nhận đã cùng Viên tham gia trên 50 vụ với hàng trăm bị hại tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hoá.

 

Theo Trung tá Đào Thanh Hải, Đội trưởng Đội chống tệ nạn, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – Công an TP. Hà Nội, đây là một lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý. Với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng chuyên buôn người đã lợi dụng ngay sự mất cảnh giác của các TTGTVL để thực hiện hành vi mua bán phụ nữ. Qua trinh sát, các trung tâm này hầu như không có sự ràng buộc pháp lý nào với những người có nhu cầu đi tìm việc. Mỗi trung tâm chỉ có từ 2 - 3 người với một điện thoại cố định. Mọi thông tin giới thiệu việc làm chủ yếu thông qua các kênh báo chí.


Khi giới thiệu được một người có việc, các trung tâm đều thu từ 200.000đ - 300.000đ, còn việc người lao động đó đi đâu, làm gì thì họ ít quan tâm. Thậm chí qua kiểm tra sổ sách, những TTGTVL có bị hại bị bán sang Trung Quốc đều không ghi tên, tuổi, địa chỉ người có nhu cầu sử dụng lao động. Thủ đoạn của số đối tượng này thường là có nhu cầu cần tuyển người trông trẻ, chăm sóc người già. Lứa tuổi bị chúng để mắt tới là các phụ nữ trẻ từ 15 - 25 tuổi. 


Cũng theo Trung tá Đào Thanh Hải, để ngăn chặn tình trạng BBPN thông qua dịch vụ việc làm, các trung tâm phải có tư cách pháp nhân. Nhà nước cần có biện pháp quản lý, thậm chí siết chặt và kiểm tra thường xuyên các trung tâm này. Với các trung tâm khi giới thiệu một người lao động, cần có sự kiểm tra nhân thân, địa chỉ của đối tượng tuyển người (thông qua UBND phường sở tại). Với các trung tâm để xảy ra người lao động bị bán, cần xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính như hiện nay.


Bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, trước tiên cần phải tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ về vai trò cũng như uy tín, năng lực của những TTGTVL hiện có. Đồng thời bản thân người lao động cũng phải tự nâng cao nhận thức, trình độ của mình, nên tìm các trung tâm của Nhà nước hoặc những nơi có uy tín, tránh bị những trung tâm tư nhân lừa đảo.

Nguồn tin: Báo Lao động

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video