Cao Bằng: Phụ nữ Trùng Khánh đi đầu trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế

23/10/2020
Chị em phụ nữ huyện Trùng Khánh chủ động áp dụng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần phát triển KT - XH, xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Chị Mạc Thị Huế, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán (Trùng Khánh) kiểm tra vườn quýt.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tích cực vận động hội viên đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Thông qua phong trào, cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, chủ động áp dụng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, góp phần phát triển KT - XH, xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Hội LHPN huyện Trùng Khánh hiện có 13.817 hội viên sinh hoạt tại 202 chi hội xóm, tổ dân phố thuộc 21 xã, thị trấn. Để giúp nhau giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng, hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cơ sở Hội tiến hành rà soát hộ gia đình hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ như: cho vay vốn, giúp ngày công lao động, cây, con giống…

Cùng với đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, tích cực tham gia thực hiện các đề án phát triển kinh tế tại địa phương.

Đến nay, các cấp Hội thành lập 5 mô hình liên kết sản xuất gồm: Mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu gây quỹ ủng hộ hội viên nghèo hoàn cảnh khó khăn tại Hội LHPN thị trấn Trùng Khánh; liên kết sản xuất trồng ngô nếp tại xóm Đà Tiên, xã Lăng Hiếu; trồng lúa nếp Ong tại xóm Đoỏng Ỏi, xã Ngọc Khê; Tổ phụ nữ liên kết sản xuất trồng kiệu tại xóm Cốc Phay, xã Trung Phúc; liên kết sản xuất trồng quýt, cam Xá Đoài tại Chi hội Bản Niếng, xã Quang Hán thu hút 51 hội viên tham gia; mô hình tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất tại Chi hội tổ 8, thị trấn Trùng Khánh thu hút 119 hội viên tham gia với số tiền gần 12 triệu đồng.

Điển hình trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là mô hình trồng trọt và chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao của chị Mạc Thị Huế, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán. Từ một hộ nghèo nhưng với sự chăm chỉ, ham học hỏi cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, gia đình chị Huế đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Chị Huế chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, sách, báo, tạp chí, tôi học hỏi được một số kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Năm 2011, tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, giống cây ăn quả; mở rộng diện tích trồng cam, quýt, mận tam hoa, nuôi trâu, bò vỗ béo, lợn thịt.

Nhờ chăm sóc cây ăn quả theo đúng quy trình kỹ thuật, chú trọng khâu phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, đến nay, gia đình tôi trồng trên  300 cây cam, quýt, mận tam hoa các loại; nuôi hơn 20 con lợn thịt, 4 con trâu, bò vỗ béo. Hằng năm trừ chi phí, gia đình tôi đạt thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Lục Thị Tuyên cho biết: Hằng năm, Hội luôn bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng bộ huyện và Hội LHPN cấp trên chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng cơ sở, chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát tình hình hộ nghèo trên địa bàn huyện để có kế hoạch giúp đỡ hiệu quả.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì chương trình ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng  dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội đạt 123 tỷ 893 triệu đồng với 2.642 hộ vay, số tiền tiết kiệm qua tổ đạt 2 tỷ 257 triệu đồng. Tổng dư nợ cho hội viên vay qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 17 tỷ 992 triệu đồng với 345 hội viên vay.

Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động hội viên phụ nữ đóng góp 2.600 ngày công lao động, 26 triệu đồng mua vật liệu làm 530 m đường nông thôn tại xóm Đoỏng Vựt, xã Cao Chương. Huy động hội viên phụ nữ hiến 600 m2  đất, 720 ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông nông thôn tại thị trấn Trà Lĩnh và các xã: Xuân Nội, Ngọc Côn, Quang Trung...

Các cấp Hội tiếp tục thực hiện, vận động, quản lý nguồn tiết kiệm tại các chi hội, tổ dân phố hiệu quả nhằm tạo nguồn vốn tại chỗ để hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi lợn, chăn nuôi la tại các xã: Phong Nặm, Ngọc Côn. Thực hiện hiệu quả Dự án tài chính vi mô tại các xã trên địa bàn huyện với 210 thành viên tham gia vay trị giá 2,5 tỷ đồng.

baocaobang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video