Câu chuyện đặc biệt về mẹ và con gái đều là đại biểu Quốc hội

18/12/2015
Nhà giáo Thục Viên - một phụ nữ trí thức là một trong 10 đại biểu nữ ưu tú của Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa giành được độc lập. 30 năm sau, con gái cụ – nhà giáo Nguyễn Thị Thục Nga – cũng là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam vừa thống nhất.

Luôn đấu tranh cho phong trào phụ nữ

 

Nhà giáo Thục Viên (SN 1903) là con gái duy nhất trong gia đình trí thức nhỏ ở Thành Nam. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, cụ về dạy học ở trường nữ sinh Đồng Khánh. Dù ở đâu, cụ cũng luôn mẫu mực, giữ thái độ khẳng khái, cương trực, tự trọng, ghét thói xu nịnh, luồn cúi, nghiêm túc trong việc truyền dạy kiến thức và luôn quan tâm, nhắc các nữ sinh giữ nền nếp, đức tính cần cù, dịu dàng tế nhị.

 

Sau này, cũng tại ngôi trường Đồng Khánh, cụ trở thành giáo viên của nhiều thế hệ học trò nổi tiếng tham gia cách mạng như bà Cao Thị Nga (công tác tại Báo Nhân dân); Nghiêm Chưởng Châu (Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT); GS Lê Thi (cô nữ sinh Hà Nội vinh dự là một trong hai cô gái kéo cờ Tổ quốc tại Lễ Quốc khánh 2/9/1945, sau này là Viện trưởng Viện Triết học); Nguyễn Thị Như (PCT Hội LHPN Việt Nam).

 

“Mẹ tôi luôn đĩnh đạc, nghiêm nghị, quần áo chỉnh tề. Đến bà đốc (hiệu trưởng) Bra-sê mỗi khi gặp cụ cũng thốt lên: “Lúc nào bà cũng sạch bóng như một đồng xu mới” - họa sỹ Thục Phi, con gái út của nhà giáo Thục Viên nhớ lại.

 

Cơ duyên đến với cách mạng của nhà giáo Thục Viên bắt nguồn từ mối thâm tình với giáo sư Đặng Thai Mai khi cả hai còn là sinh viên. Cách mạng tháng Tám thành công, giáo sư Mai khuyên cụ tham gia hoạt động cách mạng. Cụ đã phát huy vai trò một trí thức yêu nước khi chính quyền còn trong trứng nước. Cụ được tín nhiệm làm hiệu trưởng trường nữ sinh Đồng Khánh, lúc đó vừa được đổi tên thành trường Hai Bà Trưng. Năm 1946, cụ được bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội, Ủy viên chính thức Ban thường trực Quốc hội và là thành viên nữ duy nhất trong Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

 

Đóng góp của cụ với Quốc hội không chỉ là tuyên truyền kháng chiến mà cụ còn tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cụ cùng cụ bà Lê Thị Xuyến và Nguyễn Khoa Diệu Hồng hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc để tổ chức mít tinh, tuyên truyền kháng chiến… Cụ không quản lặn lội vào các vùng hẻo lánh xa xôi, trèo đèo lội suối để hoạt động, đồng thời vẫn giảng dạy ở các trường học. Cụ được Ty Giáo dục liên khu 10 giao làm hiệu trưởng trường Thi Sách (sau này là trường Tân Trào). Sau đó, cụ chuyển công tác về Ban Thường trực Quốc hội. Năm 1951, cụ có mặt trong đoàn ngoại giao đầu tiên do PCT Quốc hội Tôn Đức Thắng dẫn đầu tham gia hoạt động đối ngoại. Cuối năm 1950, cụ được bầu làm PCT Hội LHPN Việt Nam. Quốc hội khóa II (1961 – 1964), cụ lại được tín nhiệm trúng cử đại biểu Quốc hội.

 

Trong suốt quá trình cách mạng và kháng chiến, nhà giáo Thục Viên luôn hết lòng dốc sức để đấu tranh cho phong trào giải phóng phụ nữ. Cụ tham gia sáng lập Hội LHPN Việt Nam, vận động chị em tham gia phong trào cứu nước.

 

Trong gia đình, cụ cũng là người mẹ đứng trên tuyến đầu đánh giặc. Sau khi các con nhỏ đi tản cư, vợ chồng cụ cùng con trai lớn mỗi người một đơn vị chiến đấu. Người con trai thứ hai là Trần Doãn Đích ở lại tham gia bảo vệ Thủ đô và đã hi sinh anh dũng. Nhắc về mẹ, bà Thục Phi luôn tự hào: “Cụ cũng luôn sống chan hòa, rộng rãi và gần gũi với mọi người nhưng lại minh bạch, rõ ràng giữa công và tội. Trong công việc, cụ rất nghiêm chỉnh để không ai trách cứ được. Đó là lối sống lương thiện, cương trực, thẳng thắn, không khuất phục. Mẹ tôi cũng là nữ trí thức ngoài Đảng nhưng với tấm lòng son sắt với đất nước, cụ đã sống, chiến đấu suốt đời cho lý tưởng cộng sản cao đẹp”.

 

Tiếp nối tấm gương của mẹ  

 

Điều đặc biệt mà hiếm gia đình nào vinh dự có được như gia đình cụ Viên là cả mẹ và con gái đều là đại biểu Quốc hội. Năm 1975, bà Thục Nga (con gái thứ 3) - lúc đó là Bí thư Đảng ủy, Hiệu phó trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã trở thành nữ đại biểu Quốc hội khóa V (4/1975 đến tháng 4/1976). Đây là khóa Quốc hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, có nhiệm kỳ ngắn nhất và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất (127 đại biểu, chiếm 32,3%).

 

Giống như mẹ, bà Thục Nga rất giỏi tiếng Pháp. Những năm 1954-1955, bà Nga vừa 24 tuổi, dù đang là giáo viên ở trường Hùng Vương (Phú Thọ) nhưng bà vẫn được điều đi phiên dịch cho hàng binh Pháp. Năm 1954, hòa bình lập lại, bà được Bộ Ngoại giao cử đi dạy tiếng Việt và tiếng Pháp cho các đại sứ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN.

 

Những năm công tác ở Bộ Ngoại giao, bà đã sử dụng vốn tiếng Pháp của mình để phiên dịch, chuyển ngữ giúp cho các đoàn ngoại giao Việt Nam trong các hội nghị quốc tế quan trọng. Bà cùng bà Bích Hà làm phiên dịch viên tại ĐH Đảng lần thứ 3. Năm 1957, bà Thục Nga xin đi học ở trường ĐH Sư phạm HN, sau đó làm cán bộ tại trường. Những đóng góp của bà trong lĩnh vực ngoại giao và sư phạm đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân công nhận và đánh giá cao.

 

Suốt cuộc đời hoạt động, bà Nga được thưởng nhiều Huân Huy chương (Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và được phong Nhà giáo Ưu tú năm 1988.

 

Hồi tưởng về mẹ và chị gái quá cố của mình, họa sỹ Thục Phi vẫn luôn tự hào: “Mẹ và chị gái tôi luôn coi việc trở thành đại biểu Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó để hết mình hoàn thành nhiệm vụ”.

phunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video