Câu chuyện về “hot girl bắn cung” Lê Phương Thảo

12/08/2020
Vận động viên Lê Phương Thảo, sinh năm 1997, thành viên Đội tuyển bắn cung quốc gia là một cô gái thân thiện, vui vẻ, đầy cảm hứng. Đặc biệt, với vóc dáng thanh thoát, làn da trắng, gương mặt xinh đẹp, đôi mắt sáng và nụ cười tỏa nắng, Thảo được phóng viên báo chí ưu ái gọi bằng cái tên “Hot girl bắn cung”.
Cung thủ Lê Phương Thảo

Tại SEA Games 30 (Đại hội thể thao Đông Nam Á) tại Philippines năm 2019, sau khi cùng 2 đồng đội Châu Kiều Oanh, Nguyễn Tường Vi của đội tuyển bắn cung Việt Nam xuất sắc giành chiến thắng sát nút trước bộ ba cung thủ của chủ nhà để mang về Huy chương Đồng cho Đoàn Thể thao Việt Nam, Lê Phương Thảo được các nhà báo quốc tế và Việt Nam ưu ái đặt cho biệt danh “hotgirl bắn cung”. Và cũng khi đó, thành tích khủng với gần 100 huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các đấu trường trong và ngoài nước của Thảo đã được “lộ sáng”. Chỉ tính riêng 3 năm, từ 2017 đến 2019, Lê Phương Thảo đã giành được 19 Huy chương Vàng, 21 Huy chương Bạc, 13 Huy chương Đồng tại Giải vô địch các cung thủ xuất sắc toàn quốc. Thành tích quốc tế của Lê Phương Thảo ngoài Huy chương Đồng SEA Games 30 tại Philippines còn có 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc tại Asian Cup  (Cúp  bắn cung châu Á) tổ chức ở Thái Lan vào tháng 3/2018 và tháng 3/2020.            

Bộ sưu tập Huy chương lớn, nguồn năng lượng sống tích cực luôn tràn đầy của một nữ vận động viên trẻ tuổi còn khiến nhiều người phải ngưỡng mộ khi biết về hành trình Thảo đã đi qua….

Chứng kiến cha mẹ ly hôn từ khi còn nhỏ, Thảo ở với mẹ nhưng mẹ em cũng thường xuyên phải đi làm xa, cuộc sống của cô vì thế luôn thiếu thốn hơi ấm tình thân. Năm 2011, các thày cô của Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao Hải Dương về trường THCS Hoàng Tân, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương tuyển sinh, nơi Lê Phương Thảo đang học lớp 8 để tuyển sinh. Sau các bài kiểm tra về thị lực, tay và vai, Thảo được các thày cô đánh giá có thể chất phù hợp với bắn cung nên tuyển chọn. Tuy vậy, giữa đi và ở, cũng không phải là lựa chọn dễ dàng với một thiếu niên. Năm 2010, mẹ Thảo đã đã từng từ chối khi Thảo được các thày cô tuyển chọn cho bộ môn bóng chuyền. Lần này cũng vậy, Thảo gọi điện sang Nga để xin phép mẹ, ban đầu mẹ vẫn băn khoăn, do dự vì lo Thảo còn nhỏ chưa thể tự lập. Sau nhiều năn nỉ, thuyết phục, mẹ em cũng đồng ý để Thảo được thử sức.

Đến với Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao Hải Dương, Thảo tập luyện theo hướng dẫn của các thày cô. Mỗi ngày từ 2-4 tiếng, Thảo cùng các bạn trong đội tập những bài tập thể lực như đứng tấn, chống đẩy, bật nhảy, bật cóc, chạy bền rồi đến động tác tay không trong môn bắn cung… Vì chưa quen với chế độ tập luyện, nhiều hôm ngủ dậy cảm thấy toàn thân đau nhức, mệt mỏi, Thảo chỉ muốn bỏ về. Sau hơn 1 năm vừa tập luyện tại Trung tâm vừa đi tập huấn ở Hải Phòng, các thành viên trong đội mới bắt đầu được tiếp xúc với cung gỗ. Huấn luyện viên quan sát và nhận định Thảo phù hợp với cung 3 dây. Em bắt đầu tập bắn cùng bia ngắm, từ cự ly gần (khoảng từ 5 – 10 mét), sau đó tăng dần với cự ly xa hơn (từ 30 – 70 mét). Trong các giải, cung thủ sẽ thi các nội dung toàn năng, cá nhân, đồng đội với các cự ly 30m, 50m, 60m, 70m, 90m. Lê Phương Thảo thường thi đấu cung 3 dây ở cự ly 50 mét. Giờ đây, khi đã thi đấu, cọ xát ở nhiều giải đấu chuyên nghiệp, trong những ngày tập luyện, vận động viên như Thảo vẫn bắn từ 400 – 500 mũi tên với chiếc cung 3 dây nặng tầm 4,5kg.

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, Lê Phương Thảo luôn dành lời tri ân sâu sắc tới người thày đầu tiên cũng là Huấn luyện viên của em trên suốt hành trình gần 10 năm kể từ khi chập chững làm quen với dây cung, với mũi tên đến khi đã giành được ít nhiều thành tích: Thày giáo, huấn luyện viên Nguyễn Xuân Thành (HLV trưởng Đội tuyển bắn cung tỉnh Hải Dương). Công lao của thày không sao kể hết, nhưng một dấu mốc khó quên đối với Thảo khi năm 2014, lần đầu tiên được tham dự Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, mang theo rất nhiều kỳ vọng nhưng Thảo lại gây thất vọng tràn trề. Sự chán nản bủa vây cô gái 17 tuổi, những suy nghĩ tiêu cực và cả ý nghĩ bỏ cuộc,….Được sự khích lệ, động viên của huấn luyện viên Nguyễn Xuân Thành, Thảo lấy lại sự tự tin để có thể tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn. Không có con đường thành công nào trải toàn hoa hồng, những khi gặp chông gai, thất bại, bên cạnh người thân, Lê Phương Thảo cho rằng mình đã vô cùng may mắn khi có được sự đồng hành của một người thày tận tâm.

Khi được hỏi về ước muốn, Thảo bộc bạch, ước mong thường trực trong lòng em là có thật nhiều thời gian được ở bên mẹ vì từ năm 11 tuổi đến nay, em mới được ăn Tết cùng mẹ có 2 lần…  

Mỗi khi giương cung, cung thủ nào cũng mong muốn mũi tên bắn trúng hồng tâm. Với Lê Phương Thảo, dù đã chinh phục nhiều ngọn núi trong sự nghiệp nhưng đỉnh cao vẫn ở phía trước. Tần suất tập luyện ở Đội tuyển bắn cung quốc gia không hề nhẹ nhàng, lịch thi đấu các giải trong nước và quốc tế cũng tương đối dày đặc, Thảo vẫn sắp xếp, phân bổ thời gian để theo học Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và sẽ tốt nghiệp vào năm 2021. Bên cạnh đó, Thảo còn học thêm ngoại ngữ để có thể giao lưu, học hỏi nhiều hơn khi thi đấu quốc tế.

Với những mục tiêu gần, Lê Phương Thảo muốn luyện tập thật tốt, nâng cao kỹ thuật, tâm lý thi đấu, dồn quyết tâm để giành Huy chương vàng SEA Games 31 được tổ chức tại quê nhà Việt Nam. Và cũng như bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp nào, giấc mơ Olympic luôn là một giấc mơ đẹp. Lê Phương Thảo mong muốn trong thời gian sắp tới Ủy ban Olympic quốc tế sẽ đưa môn Bắn cung 3 dây vào danh sách các môn thi đấu, để những vận động viên như em có thể một lần chạm tới giấc mơ vàng tại đấu trường thể thao  danh giá nhất thể giới.

Thùy Lâm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video