Câu lạc bộ bình đẳng giới: Nơi không chỉ dành cho phụ nữ

22/08/2006
Tôi biết lỗi của tôi rồi. Tôi hứa sẽ không rượu chè, đánh đập vợ con nữa, sẽ chăm chỉ làm ăn, chăm lo cho gia đình”. Đó là câu nói của ông chồng trong đoạn cuối tiểu phẩm “Tôi đã biết lỗi” do đội văn nghệ thôn Đông Thổ, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, biểu diễn chiều 16/5/2006 tại nhà văn hóa xã. Cùng với tiểu phẩm là những tiết mục ca nhạc, tấu hài “tự biên tự diễn” của đội văn nghệ xã nhà.

Đây là một trong những nội dung sinh hoạt hàng quý của Câu lạc bộ (CLB) bình đẳng giới xã Văn Hải thuộc dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) tài trợ được thực hiện tại hai xã Văn Hải và Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn từ tháng 6/2003 đến 6/2006. 

Hội trường nhà văn hóa xã Văn Hải đông kín người, có cả các cụ, các bà, các bác đến các thiếu nữ, các cháu thiếu nhi. Những nét mặt tươi vui, những tiếng cười giòn giã khi xem đến các tiết mục hài. Cô Đoàn Thị Gấm, 55 tuổi, (thôn Đông Thổ) nói: “Từ ngày xã tổ chức CLB, tôi chưa bỏ buổi sinh hoạt nào. Mỗi lần sinh hoạt CLB là một chuyên đề mới với những nội dung rất bổ ích, giúp chị em chúng tôi mở mang kiến thức và được giao lưu với các chị em các xóm, thôn khác”.

 

Với những nội dung thiết thực như phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách của Nhà nước, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cách nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe sinh sản..., các CLB đã tạo được sự gần gũi, dễ tiếp thu với bà con nông dân qua các hình thức nói chuyện, các tiết mục văn nghệ.

 

Chị Mai Thị Hoài, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Hải cho biết: “Chúng tôi còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt CLB với những chủ đề phong phú. Từ các CLB tập trung đến từng chi hoặc tổ chức các buổi giao lưu, các hội thi giữa các liên chi, đặc biệt chú trọng đến các thôn ở xa trung tâm”. Các buổi sinh hoạt CLB đã giúp chị em phụ nữ nâng cao kiến thức, tự tin hơn trong cuộc sống, có sự thay đổi rõ rệt trong nếp nghĩ,  nhiều chị em tích cực tham gia các hoạt động xã hội. “Có nhiều chị em ban đầu rất ngại tiếp xúc chỗ đông người, hỏi đến dùng biện pháp tránh thai nào còn đỏ mặt không dám nói. Tuy nhiên, qua các buổi sinh hoạt tập thể, họ đã tự tin lên rất nhiều”. Chị Hoài nói.

 

Không chỉ thu hút chị em, các CLB bình đẳng giới còn có sự tham gia của “cánh mày râu”. Anh Nguyễn Văn Tưởng, 28 tuổi, thôn Đông Thổ, người tình nguyện tham gia tích cực các buổi văn nghệ, hào hứng kể: “Những buổi nói chuyện, tập huấn đã giúp cánh đàn ông chúng tôi hiểu và thông cảm hơn với chị em phụ nữ. Tôi không quan niệm việc cơm nước, chăm sóc con cái là việc của người vợ mà người chồng cũng cần phải chia sẻ những công việc đó”. Nhiều anh em đã thay đổi nhận thức, tạo điều kiện, ủng hộ vợ con hoạt động xã hội sau khi tham gia các buổi nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ. Chị Gấm kể: “Trước đây, tôi chẳng bao giờ biết đến ngày 8/3 nhưng từ ngày tham gia CLB, cứ đến ngày này, chồng tôi và các con trai của tôi lại tổ chức bữa ăn gia đình để chúc mừng tôi.”

 

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hỗ trợ phát triển kinh tế,... hoạt động của các CLB bình đẳng giới 2 xã Văn Hải và Thượng Kiệm đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong người dân, quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Ông Vũ Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Văn Hải, cho biết: “Các quan niệm cũ “cần phải có nhiều con, phải có con trai để nối dõi tông đường”, “trọng nam khinh nữ” đã được thay đổi, số nam giới chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng lên, đội ngũ cán bộ các cấp là phụ nữ tăng hơn so với giai đoạn trước, kinh tế hộ gia đình phát triển, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm,... là những kết quả thành công bước đầu trong thực hiện dự án này”./.

Trung tâm Thông tin tổng hợp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video