Câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu

22/08/2012
Có những bà mẹ chồng đã lập ra câu lạc bộ mẹ chồng - nàng dâu để cùng chia sẻ, tháo gỡ những khúc mắc trong mối quan hệ vốn rất nhiều chuyện để nói này


“Khi tôi sinh con, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu càng nhiều vì hai thế hệ cùng chăm một đứa trẻ, nảy sinh nhiều chuyện lắm” - chị Lan Anh, thành viên Câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu P.Sài Đồng (Q.Long Biên, Hà Nội), cho biết.

Tìm tiếng nói chung

Để có thể tạo dựng sự tin tưởng dám sẻ chia của các bà mẹ chồng hay nàng dâu, câu lạc bộ luôn giữ vững nguyên tắc: không kể ra ngoài câu chuyện của các mẹ chồng - con dâu tâm sự.

Chị Anh tiếp lời: “Đúng lúc đó thì câu lạc bộ thành lập. Sau vài lần sinh hoạt hai mẹ con đã hiểu nhau hơn, nhường nhịn nhau hơn. Chẳng hạn trước đó hai mẹ con thường khó chịu về chuyện ăn uống của đứa bé, thì bây giờ bà cho cháu ăn gì mình cũng đồng ý vì nghĩ cháu của bà, bà phải thương. Còn bà thì nghĩ con nó đẻ ra nó cũng phải thương. Khi tìm được tiếng nói chung thì mọi thứ sẽ xuôi”.

Thành lập từ tháng 9-2005, Câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu phường Sài Đồng có 98 cặp mẹ chồng - nàng dâu. Đây là câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu đầu tiên của phường Sài Đồng cũng như Q.Long Biên. “Khi thành lập câu lạc bộ, chúng tôi chỉ có mục đích duy nhất là muốn cuộc sống tươi đẹp hơn” - bà Nguyễn Hương Lan, chủ tịch Hội Phụ nữ P.Sài Đồng, cho biết. Cũng từ ý nghĩ đó, một nhóm các bà mẹ chồng ở P.Ngã Tư Sở (Q.Tây Sơn) đã thành lập câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu cách nay bốn năm.

Bà Nguyễn Thị Chín - một trong những người đầu tiên thành lập câu lạc bộ ở Ngã Tư Sở - cho biết từ khi câu lạc bộ ra đời, bà chứng kiến không biết bao tâm sự đẫm nước mắt. Mỗi lần như thế bà và những thành viên chủ chốt lại đứng ra khuyên lơn, tỉ tê với những mẹ chồng, nàng dâu để tìm sự cảm thông, chia sẻ giữa hai bên. Như trường hợp một nàng dâu bị mẹ chồng hắt hủi chỉ vì “dám” mời bố chồng ăn cơm cùng trong khi hai ông bà đang ly thân. Mẹ chồng ghét dâu, ghét luôn cả cháu, đuổi không cho ở cùng. Con trai làm tài xế taxi, đi vắng suốt ngày. Sau khi sinh con, cô con dâu bị trầm cảm ngày một nặng.

“Gặp chúng tôi, cô con dâu khóc nức nở bảo: “Chắc cháu không sống được vì mẹ chồng càng ngày càng ghét cháu mà chồng cháu thì một bên vợ một bên mẹ, không biết nghiêng về ai”. Con bé đã đứng trên bancông định tự tử. Nghe tiếng thằng cu tí mới hai tháng tuổi khóc, nó bừng tỉnh, không dám tự tử nữa. Chúng tôi kín đáo gặp mẹ chồng tỉ tê nói chuyện. Hai lần đầu vẫn không thuyết phục được bà mẹ chồng. Nói đến lần thứ tư, khi chúng tôi kể con bé đã định tự tử, mẹ chồng mới giật mình bảo: Tôi không nghĩ lại gây hậu quả như vậy”. Sau một vài ngày suy nghĩ, người mẹ chồng ấy đã thay đổi hẳn thái độ khó chịu với con dâu. Bà còn cho tiền con trai mua xe chạy taxi, không phải chạy thuê nữa để về gần nhà với vợ con”, bà Chín nhớ lại.

Chuyện của “cặp đôi hoàn hảo”

Câu lạc bộ mẹ chồng nàng dâu của phường Ngã Tư Sở còn có hai cặp “mẹ chồng - nàng dâu hoàn hảo” là bà Đào Thị Nhật, chị Nguyễn Thanh Vân và bà Nguyễn Thục Oanh, chị Nguyễn Bích Thủy. “Hoàn hảo ở đây là tìm được tiếng nói chung, mẹ con có sự cảm thông, hòa hợp”, bà Chín giải thích. Hỏi chuyện, bà Đào Thị Nhật - một trong hai bà mẹ chồng hoàn hảo - cho biết: “Cũng có những va chạm vì con dâu trẻ tuổi, không tránh khỏi những thiếu sót. Mình đôi khi lại kỹ tính thành khó tính. Con dâu giờ thoải mái, vô tư. Mình phải bao dung, vị tha. Có những điều con sai, mình nhẹ nhàng bảo nó”. Ngồi bên cạnh nghe người mẹ chồng có gương mặt rất phúc hậu nói chuyện, chị Thanh Vân mỉm cười, nói thêm: “Làm dâu mẹ hơn 20 năm nay, vợ chồng chúng tôi vẫn ăn chung mâm với bố mẹ”. Biết mẹ hơi kỹ tính, cô con dâu khéo léo lựa và chiều theo ý. Mẹ sạch sẽ, gọn gàng, làm đâu gọn đấy, làm như thế nào thì con dâu cũng học làm theo.

Còn chị Bích Thủy thì chia sẻ về mẹ chồng: “Mẹ rất tâm lý, không bao giờ nói một câu gì làm con dâu buồn. Có gì khúc mắc là mẹ phân tích thẳng thắn để mẹ con gần nhau. Có lần tôi đánh con trước mặt mẹ, mẹ gọi riêng vào phòng phân tích. Mình sinh, mẹ nấu cơm mang lên tận phòng, giặt tã cho cháu, nấu nước tắm cho cháu. Chưa bao giờ mẹ con giận nhau”. Hỏi chuyện, bà Oanh mỉm cười: “Tôi biết công việc của con gắn với các hoạt động xã hội, đoàn thể nên mình cần thông cảm, tạo điều kiện. Mình từng làm dâu nên hiểu. Làm dâu khó lắm. Nó đã về sống với mình, mình phải yêu thương”.

Sự biến chuyển rõ rệt trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngày càng tích cực của những thành viên trong câu lạc bộ. Những mâu thuẫn nhỏ dần dần giảm đi. Mẹ chồng cũng không bắt con dâu phải ở nhà nội trợ nữa. Bà Nguyễn Thị Kỳ (63 tuổi) bảo: “Câu lạc bộ giúp nhiều bạn trẻ tiến bộ, cả về cách ăn nói, cư xử đến ăn mặc. Chúng tôi để con dâu được tự nhiên, thoải mái trong ăn mặc nhưng chúng nó cũng biết làm sao cho vừa phải. Các bà mẹ chồng đi sinh hoạt về bảo nhau: mình có thương nó, nó mới thương mình”.

Theo Tuổi trẻ (PD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video