Cây dó bầu & Khát vọng làm giàu của người dân Ân Mỹ

03/12/2005
Trước đây, xã Ân Mỹ, Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp của huyện Hoài Ân. Nhiều người dân ở đây đã thay một số loại cây có giá trị kinh tế thấp bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, để xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, đối với việc trồng cây dó bầu (còn gọi là cây trầm hương) mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, người dân Ân Mỹ không còn gọi đây là cây "xóa đói giảm nghèo" nữa, mà là cây giúp họ làm giàu.

Những rừng dó bầu mà họ đã trồng, đang trồng và sẽ trồng đang dần lớn lên, mang theo khát vọng làm giàu và hy vọng đổi đời không chỉ của người dân Ân Mỹ, mà còn là niềm hy vọng của nhiều người trồng dó bầu ở Hoài Ân.

 

Dường như nhiều người dân ở xã Ân Mỹ đều cùng chung một ý kiến trong việc giới thiệu với tôi về một người đã thoát được nghèo, vươn lên làm giàu từ cây dó bầu. Đó là ông Nguyễn Hữu Toàn ở thôn Long Quang. Có điều đáng tiếc là khi tôi đến nhà thì lại không gặp được ông. Vợ ông - bà Trần Thị Thể - cho hay, ông Toàn đã đi lên xã Ân Tường Đông từ mấy ngày nay rồi. Số là vợ chồng ông đã mua tại xã Ân Tường Đông 5 ha đất để trồng dó, dự kiến trong năm nay sẽ trồng 5.000 cây. Và ông Toàn đang bận bịu với việc trồng dó ở đó dù thời điểm tôi đến xã Ân Mỹ đã là những ngày giáp Tết.

 

Có lẽ ông Nguyễn Hữu Toàn say mê với cây dó lắm! Mà không say mê sao được khi chính loại cây này đã giúp vợ chồng ông từng bước vươn lên làm giàu. Bà Trần Thị Thể khẳng định với tôi như vậy. Trước đây 2 vợ chồng từng làm nhiều nghề khác nhau, cả chăn nuôi lẫn trồng trọt, đi rừng, làm thầu khoán, nhưng từ vài năm nay, vợ chồng ông chỉ chuyên tâm vào mỗi một việc ươm và trồng dó, mỗi năm thu nhập chừng bảy tám mươi triệu đồng. "Cái nhà này cũng từ dó mà có", bà Thể nói vậy. Quả thật, ngôi nhà của ông bà khá to và khang trang, nằm ngay trên tỉnh lộ, đường từ Bồng Sơn đi An Lão. Xung quanh nhà cơ man nào là dó, loại mới ươm 6 tháng cũng có, loại đã ươm từ 3 năm nay cũng có. Còn cách nhà chưa tới năm chục thước là vườn dó cả ngàn cây mà ông Toàn đã trồng gần 10 năm nay.

 

Vườn cây dó của ông Toàn khá đẹp, đều tăm tắp, cây nào cũng có đường kính từ vài mươi phân trở lên, và hiện đang được ông khoan lỗ tạo trầm. Nguồn thu nhập của ông chính là từ đây. Không kể các nguồn thu từ một số loại cây phụ mà ông trồng xen trong vườn dó, chỉ riêng việc thu nhặt những cành dó, ông cũng bán được với giá 2.000 đ/ký. Tuy nhiên, nghề chính từ cây dó của ông Toàn là ươm cây giống để bán. Trước đây, hạt giống ông phải mua từ tỉnh bạn đem về ươm, thì vài năm nay, vườn dó nhà ông đã cho hạt, và như vậy, ông đã chủ động được nguồn để gieo ươm. Ngoài khu vườn nhà, ông còn thuê đất ở các khu vườn của các hộ xung quanh để gieo ươm cây dó giống, mỗi năm xuất bán chừng 4 vạn cây, với giá từ 2.500 - 7.500 đ/cây.

 

Bây giờ ở Hoài Ân đã có nhiều người trồng dó. Chỉ tính riêng ở xã Ân Mỹ, cũng đã có cả hàng trăm hộ trồng dó, hộ ít nhất có vài chục cây. Từ mô hình ươm, trồng cây dó của nhà ông Nguyễn Hữu Toàn, nhiều người cũng đã bắt đầu khá lên từ cây dó. Chẳng hạn như ông Đoàn Ngọc Mỹ cũng có vườn dó cả ngàn cây trồng từ vài năm nay. Còn người cả trồng dó, lẫn gieo ươm cây dó giống có thể kể ra như các ông Trần Văn Hường, Phạm Minh Ta, Nguyễn Văn Đung…

 

Điều đáng chú ý là cây dó ở Ân Mỹ không những mang lại thu nhập cho người dân, mà cái chính là đều được trồng trên đất gò đồi, tận dụng được diện tích. Theo ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, cùng với việc xác định dó bầu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của xã, việc đưa cây dó trồng trên đất gò đồi, trên đất vườn ven đồi, là lý do để xã khuyến khích người dân trồng loại cây này, với kế hoạch phát triển thêm trong năm 2005 này khoảng 20 ha.

Cây dó bầu, một trong những loại cây được coi là giúp người dân vươn lên làm giàu không chỉ có ở đất Ân Mỹ nói riêng, mà trong nhiều năm qua, và nhất là trong thời gian gần đây, đã được nhiều người ở huyện Hoài Ân nói chung trồng nhiều. Từng đã có một đề tài nghiên cứu di thực loại cây này về huyện Hoài Ân, mà kết quả đến nay, cả huyện có đến hàng trăm ngàn cây, hầu như xã nào cũng có. Cái khó trước đây là không có cây giống, thì nay đã giải quyết được, kể cả việc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHKT tỉnh còn ươm tạo thành công bằng một đề tài khoa học ươm giống cây dó bầu bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang thử nghiệm tạo trầm cho những cây dó đủ tiêu chuẩn bằng cách cấy vi sinh, cấy vật bằng kim loại, tạo vết thương trên thân cây.

 

Người dân ở Ân Mỹ nói riêng, và ở Hoài Ân nói chung, đã và đang mong chờ rồi đây những vườn dó, đồi dó sẽ trở thành rừng trầm quý, mang lại giá trị kinh tế cao, mang lại cho người dân cả niềm khát vọng làm giàu và hy vọng đổi đời.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video