Chăm sóc tốt hơn cho trẻ sơ sinh là vấn đề then chốt nhằm đạt được tiêu chí giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ

25/05/2010
Báo cáo Thống kê về tình hình Y tế thế giới năm 2010, công bố trong tháng 5 - 2010, cho thấy trên phạm vi toàn cầu, trong số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi có đến 40% trường hợp trẻ chết ngay trong tháng đầu tiên, đặc biệt trong tuần đầu tiên sau khi sinh.

Đây là lần đầu tiên báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cung cấp những nguyên nhân chính gây tử vong của trẻ sơ sinh. Báo cáo thống kê nói trên cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi đã giảm 30% từ 12,5 triệu ca năm 1990 xuống còn 8,8 triệu ca năm 2008. Đáng kể, ở khu vực Châu Phi, tỷ lệ trẻ em tử vong đã giảm hai lần so với thập kỷ trước. Gần 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới chết mỗi năm là do bệnh tả và viêm phổi. Số trẻ sơ sinh được tiêm phòng bệnh sởi tăng từ 94 triệu năm 1990 lên 107 triệu năm 2008. Có nghĩa là tăng từ 73% lên 83% số trẻ em sinh ra được tiêm phòng bệnh sởi.

Ở Việt Nam, trẻ em chiếm 36% dân số và được hưởng nhiều lợi ích từ những thành tựu phát triển kinh tế của đất nước. Việt Nam đã đạt hoặc có triển vọng đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua. Với tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 cũng như bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005. Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 95%. Các trường hợp thiếu Vitamin A đã trở nên rất hi hữu.     

Song, bên cạnh những thành quả đạt được, Việt Nam vẫn bị tụt hậu trong một số lĩnh vực chính liên quan tới trẻ em. Số trẻ sơ sinh bị chết là 1,6 % (số liệu năm 2006). Vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiếp cận đầy đủ với nước sạch và các phương tiện vệ sinh môi trường phù hợp (51,5% dân số chưa được tiếp cận với nước sạch; 74,7% chưa có nhà vệ sinh phù hợp). Ngoài ra, hai nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng chỉ có 18% các nhà vệ sinh hiện nay là đạt tiêu chuẩn vệ sinh quốc gia. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em còn quá cao (25% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng). Những yếu tố chính góp phần dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém ở trẻ em bao gồm: các tập quán chăm sóc và nuôi dưỡng kém; chỉ có 19% trẻ sơ sinh được hoàn toàn bú sữa mẹ trong 4 tháng đầu. Một vấn đề Việt Nam cần cố gắng hơn là tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp nhận giáo dục khi các em còn nhỏ tuổi (chỉ có chưa đến 47% trẻ em từ 3 - 5 tuổi được đi nhà trẻ).      

Ngoài những vấn đề tồn tại nêu trên, trẻ em Việt Nam còn đối mặt với những thách thức mới. Một nguyên nhân gây tử vong khá trầm trọng đối với trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt nam mà báo cáo của WHO không thấy nhắc tới là tai nạn do thương tích. Điều tra về tai nạn thương tích ở Việt Nam cho thấy gần 75% trường hợp tử vong ở trẻ em trên một tuổi là do thương tích, qua đó đưa ra một cách nhìn nhận mới về tử vong và bệnh tật ở trẻ em. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là chết đuối và tai nạn giao thông.  

Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HIV ở người lớn tương đối thấp (0,53%), song dịch bệnh đã nhanh chóng chuyển hướng và xâm nhập vào những người dân bình thường. Hơn một nửa số trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam nằm trong độ tuổi 20 - 29, và cứ 10 người lại có một người dưới 19 tuổi bị nhiễm. Trẻ em cũng ngày càng có nguy cơ bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi AIDS dưới nhiều hình thức. Ước tính có khoảng 300.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi AIDS ở Việt Nam

Sự phát triển của Việt Nam đã mang lại cơ hội to lớn cho nhiều người, song nó cũng làm sâu sắc thêm những sự chênh lệch giữa con người với con người. Sự chênh lệch về kinh tế - xã hội đặc biệt nghiêm trọng trong các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở vùng núi phía Bắc, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, cao gấp bốn lần so với miền xuôi. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh dao động từ 7,9 đến 62,6 trên 1000 ca sinh sống, trong đó cao nhất là ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở một số vùng dân tộc thiểu số vào khoảng 35 - 45%, trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước là 25%. Tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản như vệ sinh môi trường, nước sạch và giáo dục thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình quốc gia. Ví dụ, năm 2002, tỷ lệ tiếp cận nước sạch của dân tộc Kinh và Hoa ở mức 52,6%, trong khi tỷ lệ này ở các dân tộc khác là 12,8%. Những chênh lệch về giới ở các dân tộc thiểu số thường rõ rệt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên các con số thống kê về sức khỏe của trẻ em ở Việt nam cho thấy có sự khác biệt giữa các vùng miền. Nói chung, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở các dân tộc thiểu số cao hơn so với dân tộc đa số. Ví dụ, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở tỉnh Kontum vào khoảng 63 trên 1000 ca sinh sống, cao gấp gần 4 lần so với trung bình quốc gia.

Một số vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi (36%) cao hơn nhiều so với trung bình quốc gia (25%).

80% dân cư nông thôn được tiếp cận với nước sạch và 50% tiếp cận phương tiện vệ sinh môi trường phù hợp. Trong khi đó tỷ lệ này ở một số tỉnh miền núi và vùng sâu, vùng xa , nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, là rất thấp: 12,4% và 4,1 %.

Những tiến bộ khác trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

Với 5 năm còn lại đến thời hạn 2015 của các Mục tiêu phát triển TNK, đã có những tiến bộ nổi bật về: Tỷ lệ trẻ em thiếu cân ước tính giảm từ 25% năm 1990 xuống còn 16 % năm 2010, tỷ lệ các ca lây nhiễm HIV đã giảm được 16% trong thời gian từ 2001 đến 2008 và tỷ lệ dân số thế giới được sử dụng nước sạch tăng từ 77% lên 87% vừa đạt mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Vẫn còn khoảng cách

Tuy nhiên, những kết quả toàn cầu cho thấy sự khác biệt giữa các quốc gia và các khu vực. Một số quốc gia đã tụt hậu do xung đột, lãnh đạo kém, hay bị khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo, “Nhưng một số nước có thu nhập thấp đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc giảm số trẻ em tử vong, như Li-bê-ria, Xê-ra-li-ông, Mô-zăm-bích và Ru-an-da”, Tiến sỹ Ties Boerma, Giám đốc Cơ quan Thống kê và Thông tin Y tế của WHO đã nói như vậy.

“Một số ít các nước phát triển đang tiến tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, Nhưng ở Trung quốc và Ai cập đã có những bằng chứng về tiến bộ trong lĩnh vực này” Tiến sỹ Boerma nói thêm “Tuy nhiên đánh giá tiêu chí này là cả một thách thức và cần có những đầu tư để xây dựng các hệ thống theo giõi tốt hơn ở cấp quốc gia để xác định và thống kê đầy đủ các trường hợp tử vong bà mẹ”

“ Một khó khăn nữa là làm sao giúp các quốc gia tiểu vùng Xa-ha-ra Châu Phi và một phần Đông Nam Á chống sốt rét bằng cách phun thuốc chống muỗi vào màn và chống suy dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân chính gây ra hơn 30% số ca tử vong ở trẻ em” ông nói tiếp.

Những thống kê về Y tế khác

Thống kê về Y tế Thế giới 2010 cho thấy:

·     9 quốc gia Châu Phi và 29 quốc gia khác đang trong qua trình tiến tới mục tiêu TNK về giảm bệnh sốt rét, Tuy nhiên trong năm 2008, có khoảng 243 triệu ca sốt rét trong đó có 863.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.

·     Số ca nhiễm HIV mới đã giảm được 16% trong năm 2008 so với năm 2001. Trong năm 2008 có 2,8 triệu ca lây nhiễm HIV mới; Theo thống kê, đến cuối năm 2008 có hơn 4 triệu người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được cung cấp thuốc kháng Virus, nhưng vẫn còn 5 triệu ca không được chữa trị.

·    Các ca bệnh lao đang giảm do nhiều người được chữa trị thành công. Số ca tử vong do bênh lao ở các bệnh nhân âm tính với HIV đã giảm từ 1,7 triệu trong năm 2001 xuống còn 1,4 triệu trong năm 2008.

Các Mục tiêu tác Phát triển Thiên niên kỷ là do Liên Hiệp quốc khởi xướng và các quốc gia thành viên, các đối tác của LHQ phải phấn đấu để cải thiện đáng kể 8 lĩnh vực phát triển và y tế trước năm 2015.

Thống kê Y tế năm 2010 là báo cáo năm dựa trên 100 chỉ số về Y tế do 193 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới báo cáo lên. Báo cáo cho chúng ta một cái nhìn nhanh về những xu hướng Y tế trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên rất khó có thể thu thập được những thông tin kịp thời và chính xác về tình hình y tế ở một số khu vực trên thế giới.

Lương Thành
Lược dịch từ Bản tin của WHO và UNICEF Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video