Châu Âu rút ngắn khoảng cách giới trong bộ máy quản lý

23/06/2016
Cuộc khảo sát mới đây của tổ chức Các nữ lãnh đạo Châu Âu (European on Women) cho thấy, một triển vọng đầy hứa hẹn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong vai trò người quản lý. Cụ thể, tỉ lệ nữ trong hội đồng quản trị ở 600 công ty danh tiếng từ 17 quốc gia thành viên của Châu Âu đã tăng từ 14% lên 25% trong vòng 5 năm qua.

Thụy Điển đứng đầu trong danh sách 17 quốc gia về tỉ lệ tăng trưởng này, tiếp đến là Na Uy, Bỉ, Phần Lan và Pháp, với khoảng 30% số người tham gia ban điều hành là nữ. Giới nghiên cứu cho rằng việc ban hành các chính sách ưu tiên hoặc cơ cấu chỉ tiêu nữ tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý ở các nước trên đã tạo nên thành tích này. Theo Ủy ban Châu Âu, tỷ lệ phụ nữ đảm nhận vai trò quản lý ở châu lục này hiện ở mức trung bình là 23%, tăng 12% so với năm 2007. Những nước có đề ra chỉ tiêu như Iceland, Na Uy, Pháp và Đức thì tỉ lệ này cao hơn so với mức bình quân của khu vực. Trong đó, Iceland đứng đầu về việc rút ngắn khoảng cách giới với 44% số quản lý là nữ.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số doanh nhân Đức, việc áp dụng hạn ngạch không có hiệu quả nhiều bởi lẽ các doanh nghiệp đều biết là họ cần phải đảm bảo sự đa dạng trong bộ máy quản lý nhưng không thể vì thế mà bỏ qua vấn đề chất lượng, trình độ của người được tín nhiệm. Bà Erica Mann, Giám đốc điều hành đầu tiên của công ty hóa dược phẩm Bayer, cho rằng, thay vì ban hành chính sách hạn ngạch việc thúc đẩy đầu tư giáo dục cho phụ nữ có ý nghĩa hơn. Còn ông Rajeev Vasudeva, Giám đốc điều hành của Egon Zehnder một công ty hàng đầu thế giới về việc tìm kiếm tài năng và tư vấn điều hành cho các doanh nghiệp quốc tế, cho rằng: “Việc đề ra hạn ngạch có thể giúp cải thiện tỉ lệ phụ nữ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Tuy nhiên, con số này là không đáng kể. Việc này sẽ được cải thiện tốt hơn nếu chúng ta có thêm nhiều phụ nữ đảm nhiệm những vai trò chủ chốt ở các lĩnh vực khác nhau. Họ sẽ là động lực để thế hệ kế tiếp phấn đấu vươn lên ở vai trò là người đứng đầu”.

Năng lực tốt vẫn là tiêu chí hàng đầu

Năm 2008, bà Emma Marcegaglia trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Liên đoàn Giới chủ công nghiệp quốc gia Italia với tỉ lệ phiếu ủng hộ rất cao: 95%. 6 năm sau, Thủ tướng Italia tiếp tục bổ nhiệm bà Emma Marcegalia vào vị trí lãnh đạo Tập đoàn Năng lượng Eni. Bà Emma là 1 trong 3 nữ lãnh đạo được bổ nhiệm trong thời điểm này. Đối với bà, sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Chính phủ trao quyền cho phụ nữ lãnh đạo những doanh nghiệp Nhà nước có ảnh hưởng lớn ở Italia. Bà tin rằng, bà và những người cùng vị trí được bổ nhiệm bởi năng lực làm việc tốt, chứ không phải nhờ mối quan hệ hay sự ưu tiên. Từ đầu năm 2016 đến nay, qua mở rộng đầu tư hợp tác với quốc tế, dưới sự lãnh đạo của bà, tập đoàn đã tạo ra khoảng 70.000 việc làm mới cho người lao động. Ban đầu, bà là một trong những người phản đối chính sách cơ cấu phụ nữ vào trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Sau một thời gian thấy hiệu quả của nó, bà bắt đầu thay đổi ý nghĩ. Bà nói, nếu có thêm nhiều phụ nữ được học đại học hoặc tham gia các cuộc họp thì sẽ có thêm nhiều cơ hội cho họ đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Với vai trò là Giám đốc điều hành Eni, bà đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có năng lực đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Và bà rất tự hào vì hiện nay công ty của bà, vốn thuộc một lĩnh vực “truyền thống” của nam giới đã có đến 1/4 số nhân viên là nữ và họ hiện diện đầy đủ các phòng ban.

Theo: Thanh Huyền - Báo Phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video