Chị Chung làm giàu từ chăn nuôi lợn

05/05/2010
Ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) rất nhiều người biết đến chị Lường Thị Hồng Chung, dân tộc Thái, 35 tuổi là hội viên Hội Phụ nữ bản Chao Hạ. Chị là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất và là một trong những người đi đầu thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại bước đầu đã mang lại giá trị kinh tế cao.

Cũng như rất nhiều đôi vợ chồng trẻ khác sống ở nông thôn, khi ra ở riêng gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn nếu chỉ trông vào thâm canh cây lúa với diện tích 400m2/người. Chị cũng đã bươn bả mọi nghề nhưng cuộc sống vẫn không ổn định. Chị luôn trăn trở: “Đất đai của gia đình rộng, đó chính là tài sản lớn nhất của cha ông để lại. Có sức lao động thì phải làm gì đây cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình?”.

Từ suy nghĩ đó, năm 2001, anh chị đã vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi cả lợn thịt và lợn nái, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên chỉ nuôi 10 con một lứa. Thấy có hiệu quả, chị bàn với chồng mở rộng quy mô chăn nuôi để trở thành một nghề có thu nhập ổn định và phát triển bền vững. Cùng lúc đó, tỉnh có chính  sách hỗ trợ 30 triệu đồng cho các hộ chăn nuôi quy mô trên 100 con lợn thịt, đó cũng chính là động lực thôi thúc chị thêm quyết tâm thực hiện Dự án.

Chị cho biết, những ngày đầu tiên thực hiện Dự án gặp rất nhiều khó khăn về vốn và kiến thức, đòi hỏi mình phải có thái độ nghiêm túc không thể chăn nuôi bằng kinh nghiệm của bản thân, nên chị đã chịu khó học hỏi, tham quan các hộ chăn nuôi giỏi trong và ngoài thị xã, đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi cho mình cũng như tìm hiểu quy luật thị trường hàng năm về giá cả sản phẩm lợn thịt, thị hiếu khách hàng, tìm hiểu về con giống, thức ăn chăn nuôi... đồng thời, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, do xã và Hội Nông dân tổ chức.

Từ những kiến thức có được, cộng với vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và số tiền sau nhiều năm tích lũy của gia đình, chị đầu tư trên 60 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại rộng 120 m2, phân thành 10 ô chuồng rất  hợp lý, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Ngoài ra, chị còn làm thêm hệ thống nước uống tự động và hệ thống xử lý chất thải bằng hầm Biogas để bảo vệ môi trường sống cho gia đình và các hộ xung quanh.

Nguồn con giống được lựa chọn kỹ, chủ yếu là lợn giống Móng Cái và giống địa phương. Nhận thấy công tác phòng dịch cho đàn lợn là vấn đề quan trọng trong chăn nuôi, chị thực hiện tiêm phòng dịch định kỳ cho đàn lợn, phun thuốc khử trùng tiêu độc cho trang trại của mình. Vì vậy, đàn lợn của  gia đình sinh trưởng tốt. Năm 2009, chị đã xuất bán gần 10 tấn lợn thương phẩm.

Chị cho biết”: những năm đầu chăn nuôi với quy mô lớn, gia đình đã gặp hàng loạt khó khăn thử thách, nhất là nguồn vốn và giá cả thị trường lên xuống bấp bênh. Tuy nhiên, chị vẫn có cách làm riêng để đảm bảo chăn nuôi có lãi. Chị cho biết thêm: nếu tình hình chăn nuôi cứ phát triển như hiện tại thì trừ mọi chi phí, chắc chắn sẽ có lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/năm.

 Trên con đường đi tới thành công không phải lúc nào cũng thuận lợi. Điều giúp người phụ nữ dân tộc Thái còn trẻ tuổi và rất cởi mở, dễ gần này gần đã thành công là sự tích cực học hỏi và ý chí dám nghĩ, dám làm để vươn tới làm giàu bằng bàn tay và khối óc của chính mình. Chị bộc bạch: “Mong muốn của chúng tôi bây giờ là các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện được vay vốn với mức trên 100 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất và kéo dài thời hạn vay; được đi tham quan, giao lưu học hỏi hơn nữa và thường xuyên được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp cận được với thị trường để thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm...".

Theo báo Yên Bái

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video