Chi hội trưởng truyền cảm hứng vươn lên cho phụ nữ

22/04/2021
Chị Lê Thị Thanh Hà, chi hội trưởng phụ nữ khóm 5, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã có trên 10 năm gắn với công tác Hội và là một người không chỉ vượt khó vươn lên mà còn là nguồn cảm hứng khơi dậy cho chị em ở địa phương niềm tự hào là người con của thành phố hoa Sa Đéc, nhận thức rõ hơn vị thế, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Chân dung chị Hà

Chị Hà kể, mỗi ngày qua lại mấy bận đến chợ và thăm bà con gần nhà, thỉnh thoảng chị Hà lại nghe tiếng la inh ỏi của chị Thanh Trang và chị Hoa gần đó, dừng lại hỏi thăm thì mới rõ gia đình các chị là những hộ khó khăn, công việc làm bấp bênh, nay làm mai nghỉ. Cảnh nhà túng thiếu nên vợ chồng thường xuyên rầy rà, mạnh vợ - vợ nói, mạnh chồng - chồng chửi nên không khí gia đình luôn nặng nề, con cái thì mạnh đứa nào nấy đi, khi nào về thì về cha mẹ cũng không buồn nhắc tới.

Lân la đến nhà tâm sự tìm hiểu hoàn cảnh các chị, chị Hà nhẹ nhàng phân tích, giúp các chị có thêm kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, đợi những hôm chồng của mấy chị không say xỉn, chị Hà lại đến nhà khuyên lơn, vì vậy bất hòa trong gia đình mấy chị đã giảm, không còn xảy ra nhiều như trước đây.

Chị bảo, có người trong xóm thấy chị đầu tắt mặt tối vừa trông cháu nội, vừa đi giao bánh, vừa làm công việc “vác tù và hàng tổng” đã hỏi chị có phần giễu cợt: “Cô Hà làm chi hội trưởng phụ nữ khóm lãnh lương mấy triệu đồng một tháng mà tui thấy cô đi suốt, lắm lúc thứ bảy, chủ nhật cũng xách xe đi lòng vòng vậy?”. Những lúc như thế, chị Hà chỉ mỉm cười vui vẻ và dừng lại trò chuyện và phân tích, để chị em hiểu ý nghĩa công việc chị làm nhưng cũng đâu phải một sớm một chiều người ta nghe đâu. Nhưng chị không nản chí, một khi tâm huyết thì chị làm cho bằng được mới thôi – chị Hà tâm sự.

Chị vui vẻ: “Tôi cũng có tài cán gì đâu, vì từng sống trong cảnh nghèo khó, tối ngày cứ lủi thủi lo làm kiếm tiền nên không hiểu biết gì hết. Đi chỗ này chỗ nọ nghe người ta nói chuyện rôm rả mình thì ngồi nín thinh, có biết cái gì đâu mà nói, muốn nói thì sợ sai người ta cười cho. Từ chỗ đó tôi cố gắng sắp xếp công việc gia đình, để tham gia họp hội học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trước tiên cho bản thân và gia đình mình, sau đó về hướng dẫn lại chị em phụ nữ trong khóm, vậy mà giờ đây chị em đã tiến bộ nhiều về mọi mặt so với trước đây”.

Thấy chị tâm huyết với công tác Hội, Hội LHPN phường và thị xã Sa Đéc tạo mọi điều kiện hỗ trợ sách, báo để chị tìm hiểu kiến thức, kỹ năng trong công tác Hội. Mỗi khi thị xã mở các lớp bồi dưỡng công tác Hội chị đều đăng ký học đầy đủ, không thiếu lớp nào. Dần dần chị đã am hiểu kiến thức một cách cơ bản để áp dụng trong công việc.

Xác định, một mình không đủ mạnh để làm tốt phong trào, chị mạnh dạn hướng đến những dì, chị có cuộc sống ổn định, con cái thành đạt hoặc đã nghỉ hưu có nhiều kiến thức, kinh nghiệm để góp thêm sức mạnh cho phong trào Hội ở địa phương, xây dựng một số chị nòng cốt làm tổ trưởng các tổ phụ nữ trong khóm. Nhờ vậy, chị đã tập hợp được số đông phụ nữ khóm tham gia “Tổ phụ nữ làm bánh từ bột gạo Sa Đéc” và “Tổ phụ nữ Phật giáo” có 59 thành viên, vận động phụ nữ tham gia các cuộc họp do Hội và địa phương tổ chức.

Chị Thùy Linh, hội viên phụ nữ của khóm chia sẻ: “Trước đây tui chưa hiểu biết thường quăng đổ rác bừa bãi ra đường xá và xung quanh nhà. Nhờ được tham gia họp hội ở khóm nên tui đăng ký bỏ rác đúng nơi quy định, bởi vậy nhà cửa giờ sạch sẽ, ai tới nhà cũng khen”.

Khi chị Hà nhận nhiệm vụ làm chi hội trưởng, chi hội của khóm có rất ít hội viên, giờ đây 07 Tổ an ninh nhân dân đã phủ đều hội viên không còn tổ trắng phụ nữ. Chị bảo, muốn cho chị em tham gia các hoạt động do Hội và địa phương tổ chức thì trước hết gia đình họ phải ổn định kinh tế, có đồng ra đồng vô thì tiếng nói chị em mới có trọng lượng với chồng con, mới có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội

Gần gũi, thân thiện nên chị nắm rất rõ hoàn cảnh gia đình của chị em. Người thì thiếu vốn, chị thì cần kiến thức làm ăn... Từ đó, chị Hà mạnh dạn tranh thủ với lãnh đạo Hội và chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để 92 hộ dân được tiếp cận các chính sách ưu tiên, từ vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quỹ CEP với số tiền trên 2 tỷ đồng để tham gia khởi nghiệp. Chị Trần Thị Huỳnh Mai hội viên phụ nữ khóm 1, được chị giới thiệu vay 360 triệu cải thiện mặt bằng và mua sắm một số trang bị để chế biến kẹo đậu phộng.  Hiện nay thương hiệu kẹo đậu phộng “Huỳnh Mai” đã có mặt ở một số thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị Huỳnh Mai được tham gia quảng bá sản phẩm của mình tại các hội chợ, triển lãm nên đầu ra ổn định. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, cơ sở của chị đã giải quyết việc làm cho phụ nữ thiếu việc làm có thu nhập thường xuyên, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

Chị còn tranh thủ các nguồn lực giúp các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được đến trường. Chị Mai Bích Thảo bùi ngùi kể: “Chồng tôi mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, mua bán ế ẩm không đủ chi phí sinh hoạt cho ba mẹ con đến ngày tựu trường lòng tôi luôn đau đáu không biết làm sao? May nhờ có chị Thanh Hà, chi hội trưởng phụ nữ giúp đỡ nên con tôi nhiều năm liền được hỗ trợ học bổng Nguyễn Thị Định để tiếp tục đến trường”.

Với thâm niên trên 10 năm công tác Hội, chị Hà quyết tâm đem kiến thức, sự hiểu biết của mình để làm thay đổi suy nghĩ của phụ nữ ở địa phương, góp phần giúp chị em ngày càng tiến bộ, làm ăn kinh tế, xây dựng gia đình tiến bộ và hạnh phúc.

Với những đóng góp tích cực đó, chị Lê Thị Thanh Hà đã vinh dự được TW Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2018, 2019 và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Kim Chi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video