Chìa khóa ngôn ngữ trong việc chuyển tải thông điệp AIDS

04/04/2011
Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nước ta, tình hình dịch HIV đang có chiều hướng gia tăng nhanh trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng xa. Trong đó, số lượng thanh niên dân tộc nhiễm HIV đang ở con số đáng báo động.

Thực tế, tình trạng nghiện, chích ma túy tại các vùng sâu, vùng xa đang có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS là không nhỏ. Hiện nay, kiến thức phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Khu vực miền núi vốn có địa hình phức tạp, mạng lưới y tế cơ sở yếu kém, gây khó khăn trong việc triển khai các chương trình phòng, chống. Bên cạnh đó, công tác truyền thông ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn yếu, trình độ dân trí thấp, làm giảm sự hiểu biết về các thông điệp HIV. Một khó khăn lớn đối với cán bộ làm công tác truyền thông là rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Việc thiếu hiểu biết về văn hóa và nhất là không biết tiếng dân tộc nơi mình cần chuyển tải thông điệp cũng như hình thức tuyên truyền kém hấp dẫn đã làm cho hiệu quả truyền thông không đạt như mong muốn.

Các thông tin sau đây về kinh nghiệm của Trung Quốc hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn

Cuốn sách “Đến với những người khó tiếp cận: Một cẩm nang hướng dẫn sản xuất các chương trình nghe-nhìn bằng thổ ngữ” đã được xuất bản ngày 28/2/2011.

Nhóm dân tộc thiểu số chỉ chiếm 8% dân số Trung quốc nhưng lại có đến 20% trên tổng số toàn bộ các ca nhiễm HIV/AIDS theo báo cáo. Người dân các tộc người như Jingpo, Dai và Wa hiện đang có nguy cơ rất cao về HIV.

Do sống tại các vùng xa xôi nơi biên giới và thường không có khả năng nói, viết hay đọc tiếng Hoa phổ thông, đối tượng dân cư này thường xuyên không được tiếp cận đầy đủ và hiệu quả các chương trình phòng chống HIV tiêu chuẩn.

Cách tiếp cận đối tượng dân cư này hiệu quả duy nhất là thông qua các tác phẩm phù hợp với văn hóa và ngôn ngữ của họ như các chương tình phát thanh, các câu chuyện truyền hình, các vở hài kịch và các bộ phim viết bằng ngôn ngữ của dân tộc đó. Nghiên cứu đã cho thấy rằng người dân tiếp thu các thông điệp dễ dàng hơn nếu được tham gia vào môi trường giải trí.

Hơn 8 năm trước đây, Văn phòng Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) tại Thái Lan đã phê chuẩn một phương pháp luận 12 bước để sáng tác và sản xuất các dạng tác phẩm đó. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức phòng chống AIDS LHQ, UNESCO đã sản xuất 13 chương trình phát thanh tiếng dân tộc phù hợp với văn hóa của họ tại Căm-pu-chia, Trung quốc, Lào và Thái lan về các vấn đề liên quan đến HIV và AIDS, lạm dụng ma túy buôn bán người/di cư không an toàn.

Các cuộc xem xét đánh giá do ADB tiến hành đã kết luận rằng nhận thức về HIV và AIDS của dân bản địa- những người nghe các chương trình bằng tiếng dân tộc mình- đã tăng lên một cách cơ bản. Chẳng hạn, các chuyên gia đánh giá đã nhận thấy rằng ở Ratankiri, Căm-pu-chia, trước khi nghe chương trình phát thanh bằng tiếng Blao, chỉ có 35% dân làng Blao biết rằng quan hệ tình dục không an toàn là một trong những yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV. Con số này đã tăng lên 74% sau khi nghe chương trình trên.

“Nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp luận đã được kiểm chứng này, UNESCO đã biên soạn một cuốn cẩm nang về sáng tác và phát hành các tác phẩm truyền thông phù hợp văn hóa và ngôn ngữ địa phương, nhất là các vở kịch truyền thanh” ông Heather Peters, cố vấn cao cấp của Văn phòng UNESCO tại Băng kốc cho biết. Với các bài học đúc rút từ thực tế hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các chương trình phòng chống bằng tiếng địa phương, cuốn “Đến với những người khó tiếp cận: Một cẩm nang hướng dẫn sản xuất các chương trình nghe-nhìn bằng thổ ngữ” hiện đang có bằng tiếng Anh, Hoa, Thái, Lào và Việt nam. 

Cuốn sổ tay này dành cho những người muốn biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc nhưng không biết làm thế nào; chẳng hạn, các cán bộ y tế và tuyên truyền bản địa, cán bộ các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác. Bằng việc giải thích và đưa ra các thí dụ chứng minh tại sao văn hóa và ngôn ngữ lại quan trọng trong việc phòng chống HIV, cuốn cẩm nang cung cấp cho các bạn những hướng dẫn, giải thích không chỉ đơn giản, mộc mạc mà còn rất chi tiết về Phương pháp luận 12 bước của UNESCO. Cuốn sách cũng đưa ra các bước thực hành cần thiết để biên soạn và sản xuất một vở kịch phòng chống HIV bằng tiếng dân tộc.

“Thông điệp của cuốn sách này là: Bất kỳ ai, ở bấy kỳ đâu cũng đều có phản xạ tốt nhất đối với các thông tin được cung cấp bằng tiếng mẹ đẻ mà lại phù hợp với hoàn cảnh văn hóa của dân tộc mình" ông David Feingold, điều phối viên các dự án HIV/AIDS và buôn người, bộ phận Văn hóa, UNESCO Băng Kốc đã nói như vậy. Mặc dù cuốn cẩm nang này tập trung vào các chương trình kịch truyền thanh phòng chống HIV/AIDS, lạm dụng ma túy, buôn người/di cư không an toàn, nhưng Phương pháp luận UNESCO này cũng có thể và cần được áp dụng rộng rãi cho các vấn đề khác như sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tiêm phòng, phát triển nông nghiệp hay thậm chí tuyên truyền cho du lịch.

Lương Thành Dịch

Theo China Daily (tháng 3/2011)

 

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video