Chia sẻ kinh nghiệm phong trào phụ nữ ở Ấn Độ và Mỹ

24/06/2016
Sáng 23/6/2016, tại trụ sở TW Hội LHPN Việt Nam đã diễn ra "Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phong trào phụ nữ ở Ấn Độ và Mỹ".

Tại buổi hội thảo, bà Ramaa Vasudevan - Giảng viên Kinh tế và Phát triển, Đại học Colorado, Mỹ đã chia sẻ và cung cấp nhiều thông tin đến cán bộ cơ quan TW Hội về phong trào phụ nữ nước Mỹ và Ấn Độ. Theo đó, ở Mỹ hiện nay lao động nữ đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: bị phân biệt đối xử, phải làm mẹ đơn thân, các quyền liên quan đến sinh sản; sự khác biệt giữa quan niệm và thực tế đối với lao động nữ; những rào cản, bất công đối với lao động nữ. Bà Ramaa Vasudevan cho biết, mặc dù Mỹ đã có lịch sử đấu tranh lâu dài cho bình đẳng về lương (Đạo luật trả lương công bằng Lily Ledbetter 2009) nhưng thực tế nữ giới thường bị trả lương thấp hơn nam giới cùng đảm nhiệm vị trí việc làm tương đương. Đặc biệt, tỉ lệ lao động nữ bị suy giảm đáng kể khi có biến động về kinh tế, xã hội do họ phải đối mặt với quá nhiều thách thức để tiếp tục làm việc trong khi vẫn phải đảm đương công việc chăm sóc gia đình. Vì vậy, rất cần thêm những đạo luật đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ, đảm bảo cho lao động nữ làm việc; những dịch vụ hỗ trợ phụ nữ trong chăm sóc gia đình; chế độ phúc lợi đối với gia đình đơn thân tránh nghèo đói.

Với Ấn Độ, là đất nước Nam Á đứng thứ 11/131 quốc gia về tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tính từ dưới lên, phụ nữ Ấn độ phải đối mặt với nhiều hình thức gia trưởng hà khắc: sự lựa chọn giới tính khi sinh, bạo lực, hiếp dâm. Do quan điểm "trọng nam khinh nữ" và việc lựa chọn giới tính trước khi sinh đã dẫn đến sự thiếu hụt nữ giới. Năm 1994, Ấn Độ đã có đạo luật về Kỹ thuật chuẩn đoán Pre-Natal để cấm lựa chọn giới tính, tiết lộ giới tính khi sinh nhưng để hiện thực điều này thì cần thay đổi các quan niệm văn hóa và xã hội đánh giá thấp phụ nữ, thậm chí coi phụ nữ như gánh nặng bởi khi lập gia đình họ bắt buộc phải có của hồi môn. Theo bà Ramaa Vasudevan thông tin, phụ nữ Ấn Độ phải dành 352 phút mỗi ngày để làm công việc gia đình trong khi con số này đối với nam giới là 19 phút. Một thực tế cũng cho thấy, vì có quá nhiều rào cản đối với phụ nữ trong gia đình và xã hội nên ngày càng có thêm nhiều tổ chức hoạt động vì quyền lợi của lao động nữ, tập trung, bảo vệ phụ nữ nhằm đảm bảo cho tự do, an toàn và bình đẳng của toàn xã hội. Các biện pháp hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý liên quan,,hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và tránh sự kỳ thị cũng được Ấn Độ coi là các giải pháp cần thiết để tăng cường sự bảo vệ cho phụ nữ.

"Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phong trào phụ nữ ở Ấn Độ và Mỹ" là hoạt động thiết thực nhằm cung cấp thêm các thông tin về phụ nữ thế giới và phong trào phụ nữ thế giới đối với cán bộ TW Hội LHPN Việt Nam, qua đó giúp đội ngũ cán bộ làm công tác Hội nâng cao hiểu biết, có cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ và học tập những kinh nghiệm cũng như cách làm tốt của các nước trong việc thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và sự tiến bộ bình đẳng giới thực chất.

Hồng Minh- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video