Chiếu chèo gắn kết những hội viên Phụ nữ

26/06/2012
Những năm qua, các phong trào của Hội LHPN xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) đã gắn kết chị em lại với nhau, cùng đẩy mạnh các hoạt động Hội và những làn điệu hát chèo mượt mà, êm ái.

Theo những “nghệ sỹ” gạo cội trong làng thì Đại Thành không phải là cái nôi sinh ra hát chèo nhưng chèo đã đi vào đời sống, vào miếng ăn giấc ngủ của người dân nơi đây từ “ngày xửa, ngày xưa”. Chỉ biết, những người con nơi đây đều lớn lên bằng những điệu hát chèo qua lời ru của người bà, người mẹ, người chị. Để rồi đến ngày lớn khôn, cũng là khi tình yêu hát chèo đã “ngấm” vào trái tim, vào niềm say mê của mỗi người.

 

Cụ Nguyễn Mai Nguyên, “cây đại thụ” hát chèo của làng nhớ lại: “Đội chèo của Đại Thành hồi đó có tiếng khắp tổng dinh. Người ta cứ nghe tiếng nhị kéo, tiếng đàn gẩy, tiếng hát ngân là họ biết đó là gánh chèo Đại Thành”. Tiếng tăm về hát chèo của xã nổi tiếng tới mức, năm 1979, Đài tiếng nói Việt Nam đã mời Đoàn diễn vở chèo “Bông hồng làng Đại” để thu âm và phát sóng.

 

Phong trào hát chèo của làng cứ thế phát triển mạnh mẽ, những cái tên như Mai Nguyên, Phú Sửu, Quang Kết, Nguyễn Thị May đã trở nên quen thuộc và là niềm tự hào của người dân làng Đại Thành. Từ năm 2009, xã đã thành lập thành Câu lạc bộ “Văn hóa và thể thao”, với hơn 60 thành viên. Hát chèo là trung tâm của Câu lạc bộ. Mọi người còn nhớ mãi những vở diễn hay của Câu lạc bộ như “Mất ví”, trích đoạn “Lưu Bình, Dương Lễ”, điệu Chinh phụ trích trong “Tấm Cám”…

 

Đặc biệt, chèo ở làng Đại luôn mang đậm chất “đời”, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Chất “đời” được thể hiện rõ nét qua những câu chuyện nho nhỏ từ đời sống như tác hại của uống rượu bia khi tham gia giao thông, nạn bạo hành gia đình, giáo dục con cái, tình làng nghĩa xóm… qua lời ca tiếng hát của những người “nghệ sỹ nông dân”, quanh năm chân lấm tay bùn. Ban ngày họ là những người lao động chân tay nhọc nhằn, vất vả nhưng khi đêm về, những người nông dân ấy lại biến mình thành nghệ sỹ thực thụ khi đắm mình trong những làn điệu chèo.

 

Thành viên của Câu lạc bộ đủ các thế hệ, từ những học sinh phổ thông tới những cụ già bảy mươi, tám mươi tuổi. Tất cả khi bắt nhịp trong điệu chèo đều hòa làm một, đồng điệu, nhịp nhàng. Hát chèo trở thành cầu nối yêu thương, đùm bọc và gắn kết tình người nơi làng Đại Thành.

 

Câu lạc bộ đã tham gia “thử sức” ở nhiều hội thi từ xã, huyện đến thành phố. Chèo Đại Thành đã đạt những giải cao như hai giải A2 trong Liên hoan sân khấu chèo không chuyên Hà Nội mở rộng hai năm 2010, 2011; giải nhất hội thi hát huyện Quốc Oai…

 

Không giấu được niềm tự hào khi là thành viên của Câu lạc bộ, chị Nguyễn Thị Chúc – Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Thành chia sẻ, Hội phụ nữ nói riêng và xã Đại Thành nói chung sẽ cố gắng hết sức để gìn giữ, phát huy nghệ thuật chèo – không gian văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Theo Báo PNTĐ (NTD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video