Cho bé bú như thế nào khi mẹ phải đi làm?

27/09/2012
Việc nuôi con bằng sữa mẹ khi mẹ phải đi làm là hoàn toàn có thể dù sẽ khiến người mẹ khá vất vả.

Nếu mẹ sống gần nơi làm việc thì quả là 1 thuận lợi lớn để mẹ có thể tranh thủ thời gian nghỉ về cho con bú. Đối với những mẹ không có điều kiện về nhà cho con bú giữa giờ thì mẹ cần chủ động hơn trong việc này. Người mẹ không nên nghĩ rằng vì mẹ phải đi làm nên cần phải cho bé bú bình, tập cho quen dần với thức ăn nhân tạo. Trước khi trở lại làm việc 2-4 ngày, mẹ nên dành thời gian để hướng dẫn cho người chăm sóc bé cách cho ăn và chăm sóc bé. Mẹ cũng nên nhắc người chăm sóc bé không nên cho bé ăn hoặc uống sữa trước khi mẹ đi làm về khoảng 1-2 tiếng để bé đói và mẹ có thể cho bé bú được ngay khi đi làm về tới nhà.

Trong thời gian đi làm, mẹ nên tranh thủ cho bé bú sữa mẹ vào ban đêm, sáng sớm và bất cứ lúc nào ở nhà, sẽ giúp duy trì lượng sữa mẹ. Như vậy bé sẽ nhận được thêm sữa mẹ ngay cả khi bắt đầu cho ăn bổ sung. Hàng ngày, mẹ vắt sữa để lại trước khi đi làm và để lại cho người nhà cho bé uống bằng ly/cốc.

Mẹ nên thu xếp thời gian để vắt sữa, có thể cần thức dậy sớm hơn nửa giờ để kịp vắt sữa và cho bú. Việc vắt sữa ra trong khi mẹ đi làm giúp kích thích khả năng tiết sữa của mẹ, giúp cho mẹ được thoải mái và bớt chảy sữa và bé vẫn nhận được đầy đù các lợi ích vượt trội về sức khỏe và dinh dưỡng của sữa mẹ dù mẹ không thể ở bên bé cả ngày.

Mẹ vắt càng nhiều sữa vào trong ly/cốc sạch có miệng rộng càng tốt. Đậy ly/cốc sữa bằng một tấm vải sạch hay đĩa sạch và để ở nơi mát hay trong tủ lạnh. Sữa mẹ có thể để để 72 giờ trong tủ lạnh hoặc 1 tháng trong ngăn đá, lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn.

Trước khi cho bé uống sữa cần đặt ly/cốc chứa sữa vào bát nước nóng để làm ấm sữa, không cần phải đun nóng sữa vì như thế sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng có trong sữa. Không cho bé sử dụng sữa đã từng hâm nóng.

Khi cho bé uống sữa, các mẹ cần chú ý không rót sữa vào miệng bé mà chỉ đặt vào môi để bé tự dùng lưỡi đưa sữa vào miệng.

Các mẹ cũng có thể vắt sữa ở nơi làm việc, cho vào bình sạch có nắp đậy mang theo và đem về nhà cho bé bú. Nếu không thể bảo quản, mẹ có thể tận dụng để uống hoặc bỏ đi, sữa sẽ lại tiết ra.

Một số lưu ý khi vắt sữa và bảo quản sử dụng sữa vắt

Vắt sữa đúng: Đầu tiên, mẹ rửa tay sạch, tráng ly/cốc sữa bằng nước sôi, đắp khăn bông ấm lên hai bầu vú để làm sạch bầu vú. Sau đó, một tay nâng bầu vú và bắt đầu xoa nắn, xoa từ phía trên bầu vú hướng xuống (xoa theo vòng tròn, xung quanh bầu vú kể cả phần dưới). Đặt ngón tay cái lên trên quầng vú và núm vú, ngón tay trỏ ở dưới quầng vú và núm vú, đối diện ngón cái, các ngón khác đỡ vú. Ấn ngón cái, ngón trỏ nhiều lần để vắt sữa. Xoay các ngón tay quanh vú để vắt hết sữa.

Để có thể vắt được nhiều sữa nhất: Các mẹ nên vắt sữa theo từng cữ trong ngày. Lý tưởng nhất là 3 tiếng/ cữ vắt sữa, đúng theo cữ bú của bé hàng ngày. Điều này giúp cho nguổn sữa mẹ vẫn được dồi dào mặc dù mẹ ít cho con bú trực tiếp. Mẹ cũng đừng “để dành” sữa trong cơ thể vì làm như vậy có thể khiến mẹ bị tức sữa, tắc sữa rất khó chịu và  vô tình mẹ đã khiến sữa của mình ít dần đi. Các mẹ hãy cố gắng thư giãn và giữ tâm trạng ổn định trước những áp lực từ công việc để có nguồn sữa tốt nhất cho bé. Đừng ngại chia sẻ và đề nghị sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp để mẹ có thể vừa hoàn thành tốt công việc của mình, vừa có đủ thời gian và nguồn sữa dồi dào chăm sóc cho bé. Ngoài ra, mẹ nên duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng và uống đủ 2l nước mỗi ngày bởi nước cũng là một trong những yếu tố kích thích sữa về nhiều hơn.

Bảo quản và sử dụng: Mỗi lần vắt sữa, mẹ nên cho sữa vào một túi hoặc bình riêng và đánh số, ghi ngày tháng để chú ý không cho bé bú sữa đã để quá lâu. Mẹ cũng không nên đổ sữa cũ và sữa mới vào cùng một bình.

Chúc các mẹ vừa có thể chăm con bằng nguồn sữa mẹ quý giá, vừa có thể hoàn thành tốt công việc của mình.

Phạm Hồng Diên (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video