Chủ nhân của nhiều sáng kiến giáo dục tiêu biểu

13/06/2017
Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là chủ nhân của 18 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại A, được đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh ứng dụng.

Nhắc đến tên cô Nguyện, nhiều người nhớ ngay đến hàng dài sáng kiến: “Phần mềm từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa”; “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục”; “Triệu phú ngôn ngữ”, xây dựng tủ sách Bác Hồ… Đồng nghiệp của cô nói:  giáo viên, học sinh có vướng mắc ở đâu, cô Nguyện sẽ có ý tưởng để tháo gỡ được vướng mắc đó.

20 năm qua, cô Nguyện là chủ nhân của 18 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại A, được đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh ứng dụng. Cô đã nghiên cứu thành công đề  tài “Phần mềm từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa”. Đề tài này của cô đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo Khoa học - Công nghệ Thái Bình; đạt giải nhất Hội thi sáng tạo toàn quốc lần thứ 12, đạt giải thưởng Quốc tế (WIPO),  đạt  huy  chương vàng quốc tế năm 2014. Năm 2014 - 2015, cô có đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục” đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13.

Chia sẻ về đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục”, cô Nguyện cho biết: từ thực tiễn của người làm công tác giáo dục, cô nhận thấy những tác động mạnh mẽ của các phong trào thi đua trong việc dạy và học. Tuy nhiên, việc tổ chức các phong trào thi đua cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế, một số phong trào chưa thực sự động viên, khuyến khích được người tham gia… Sau 3 năm nghiên cứu, phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong giáo dục được cô Nguyện và một số cộng sự đã ra đời. Phần mềm bao gồm bộ tiêu chí thi đua với 27 tiêu chí chính trong từng lĩnh vực hoạt động giáo dục, trong mỗi tiêu chí lại có nhiều chỉ số cụ thể để xác định nội hàm cho từng tiêu chí. Với hàng trăm chỉ số cụ thể, bộ tiêu chí đánh giá thi đua không chỉ cụ thể về nội dung, yêu cầu mà còn đảm bảo tính hợp lý, toàn diện, phù hợp với thực tiễn trường học…. Bên cạnh đó, phần mềm còn có khả năng áp dụng rộng rãi trong các mô hình nhà trường hoặc các đơn vị phòng, ban, sở, ngành, doanh nghiệp… Vì vậy, ngay sau khi biết về đề tài này, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tìm đến và cô giáo Nguyện không ngại chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu theo dõi, đánh giá thi đua tại đơn vị.

Luôn hướng đến cái mới, cái hoàn thiện là ưu điểm của cô giáo Nguyện. Do đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết kế các giờ học để hấp dẫn học sinh được cô quan tâm hàng đầu. Cô đã có ý tưởng thiết kế lại giờ chào cờ đầu tuần và giờ sinh hoạt lớp cuối tuần để tránh được sự nặng nề, nhàm chán, công thức như vẫn từng xảy ra nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quy định của các cấp quản lý. Đặc biệt chương trình chào cờ và sinh hoạt lớp vừa có sự thay đổi, phù hợp với vị trí của từng tuần trong tháng, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, nên đông đảo học sinh trực tiếp tham gia. Hiện nay, mô hình hoạt động ngoài giờ này đang được nhiều đơn vị bạn nhân ra diện rộng. 5 năm qua, cô trực tiếp tổ chức, xây dựng 5 chuyên đề cấp huyện, 1 chuyên đề cấp tỉnh, tham gia hội thảo cấp tỉnh về “Ra đề kiểm tra theo hướng mở”. Đề tài của cô được Hội thảo đánh giá cao, được ứng dụng trong thực tiễn giảng dạy.

Bước vào giảng dạy từ năm 1997, cô giáo Nguyện không ngừng cố gắng, trau dồi công tác chuyên môn, đồng thời tự học hỏi, tu dưỡng, nâng cao trình độ. Năm  2009, cô được phân công về làm giáo viên trường Trường THCS An Vũ, sau đó năm 2013 được bổ nhiệm là Hiệu trưởng nhà trường.

Trên cương vị Hiệu trưởng nhà trường, Bí thư chi bộ, nhờ dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới sáng tạo trong quản lý, cô Nguyện luôn trăn trở, suy nghĩ và quyết tâm sẽ cùng tập thể nhà trường tìm cách để đưa Trường THCS An Vũ từng bước nâng cao chất lượng giáo dục để trở thành đơn vị có những điểm sáng hàng đầu trong hệ thống các trường THCS toàn huyện.

Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tập thể, cô Nguyện nghĩ mình cần phải tìm được các giải pháp và là tấm gương sáng đi đầu trong thực hiện các giải pháp đó; đồng thời phải xây dựng tập thể thành khối đoàn kết, cùng tổ chức vận động, khai thác trí lực, vật lực, tài lực của các lực lượng giáo dục, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng khắc phục khó khăn thì sẽ thành công.

Nghĩ là làm, ngoài những việc làm thường xuyên để nâng cao chất lượng giáo dục như tổ chức hội giảng, mở sân chơi trí tuệ “Triệu phú ngôn ngữ”, xây dựng tủ sách Bác Hồ, đổi mới cách đánh giá thi đua... cô Nguyện hướng sự quan tâm tới việc tự học của học sinh ở gia đình, vì đây là khoảng thời gian đáng kể có ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh. Cô đã cố gắng thu xếp công việc, lên kế hoạch cho các buổi tối đi thăm và kiểm tra tình hình học buổi tối ở nhà của học sinh, trước hết là những học sinh thuộc diện gia đình khá đặc biệt: mồ côi, bố nghiện hút ma túy, bố mẹ làm ăn xa, hoặc cả hai bố mẹ đều đi làm công ty đến tối muộn mới về. Khi đi thực tế, cô có những góp ý cụ thể để gia đình cùng có biện pháp quan tâm tới việc học đối với từng học sinh. Sau nhiều lần đến thăm và kiểm tra, cô Nguyện thấy những học sinh này thật sự có tiến bộ và chuyển biến rõ rệt. Việc làm của cô đã được Chi bộ, Hội đồng nhà trường và toàn thể giáo viên hưởng ứng, ủng hộ. Sau đó, 100% giáo viên của trường cũng tự nguyện đi thăm, kiểm tra học sinh học buổi tối. Đến nay, việc này đã trở thành nền nếp tại Trường THCS An Vũ.

Với những học sinh nghèo, gia đình khó khăn, cô Nguyện thường xuyên gặp gỡ, tâm sự, động viên, tìm hiểu và khích lệ. Cô đã vận động những gia đình này cho các cháu đi học buổi 2 và không thu tiền. Mặt khác, cô còn đề ra mức thưởng 50.000 đồng cho một học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT, 100.000 đồng cho học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Tiền thưởng này được lấy từ tiền lương của cô. Chỉ tính từ năm 2012 đến năm 2016, cô Nguyện đã thưởng cho 10 em thi đỗ vào lớp 10 THPT, 12 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Đồng thời, hằng năm cứ vào mỗi dịp đầu năm, cuối học kì I, Tết Dương lịch và cuối năm học, cô đều trích một phần tiền lương của cá nhân để mua sách, bút, quần áo làm quà tặng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có sự vươn lên trong học tập. Cô cũng là người phát động xây dựng Quỹ Tình thương với mong muốn những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận sự động viên, chia sẻ của cộng đồng. Bản thân cô đã góp 6 triệu đồng để xây dựng quỹ. Cô Nguyện sáng lập và cùng Ban Chấp hành Công đoàn trường vận động 100% cán bộ, giáo viên nhà trường tham gia xây dựng Quỹ trẻ em nghèo vượt khó, Quỹ tài năng học trò, mỗi năm gây quỹ được hàng chục triệu đồng. Chính những quỹ như vậy tạo cho học sinh nghèo có thêm điều kiện tới trường, cũng như thắp sáng ước mơ, tài năng của học sinh trong trường.

Cô Nguyện bảo: nghề giáo nếu chỉ làm thầy của các em thôi chưa đủ, mà phải luôn là người mẹ thứ hai của các em thì mới có thể gần gũi, hiểu được các em, trên cơ sở đó, động viên, chia sẻ để giúp các em tiến bộ trong học tập.

Việc làm của cô Nguyện luôn nhận được sự hưởng ứng và chia sẻ của cả tập thể cán bộ giáo viên toàn trường cũng như của phụ huynh học sinh, đã góp phần không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện mà còn tạo nên sự ấm áp trong tình thương nhân ái của cộng đồng.

Cô Nguyện chia sẻ: là người đứng đầu luôn phải làm gương trước để tạo hiệu ứng lan toả. Ngoài việc có ý thức cộng đồng, tình thương yêu đồng nghiệp, học trò, sự dám hy sinh thì yếu tố say mê và sáng tạo trong công việc là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ đem lại niềm vui trong làm việc, tạo sức mạnh cho chúng ta vượt qua mọi khó khăn.

Ở cương vị Hiệu trưởng nhà trường, bản thân cô Nguyện luôn tạo mọi điều kiện để chị em giáo viên trẻ phấn đấu. Cô Nguyện sẵn sàng lên lớp giảng dạy trực tiếp để truyền cho các chị em trẻ những kinh nghiệm hay. Đối với những chị em lớn tuổi có hoàn cảnh bản thân và gia đình khó khăn, cô thường xuyên thăm hỏi, vận động các giáo viên khác dạy giúp hàng trăm giờ, điều này đã góp phần tạo nên sự đoàn kết, gắn bó của cả tập thể giáo viên trong trường. Bên cạnh đó, cô luôn luôn có ý thức tìm tòi, sáng tạo các mô hình hoạt động trong nhà trường để thu hút học sinh trong các hoạt động giáo dục.

Kết thúc năm học vừa qua, các chỉ số về chất lượng, trường THCS An Vũ đều vượt lên so với 5 năm trước. Chất lượng học sinh giỏi cấp huyện tăng 151%, học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 8 lần; có học sinh giỏi cấp quốc gia. Từ thứ 29, trường vượt lên đứng nhất toàn huyện về tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT. Sáng kiến kinh nghiệm xếp thứ nhất toàn huyện. Từ chỗ chỉ có 1 giáo viên giỏi cấp huyện, nay trường đã có 15 đồng chí được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện, 5 đồng chí là giáo viên giỏi cấp tỉnh. Các chỉ số khác cũng tăng nhiều bậc. Nhà trường được đầu tư kinh phí để xây dựng khang trang theo hướng chuẩn quốc gia. Kết quả đó có sự đóng góp chủ lực của cô Mai Thị Bích Nguyện.

Do sự cố gắng và vượt khó của cá nhân lại được sự giúp đỡ của tập thể nhà trường, sự quan tâm động viên, chăm sóc của nhiều tổ chức và lãnh đạo các ngành các cấp, liên tục 18 năm qua, cô giáo Nguyện đều được bình chọn là phụ nữ Hai giỏi xuất sắc, được phụ huynh và học  sinh  tin  yêu.  Ba  lần,  cô  vinh  dự được  nhận  Bằng  khen  của  Thủ  tướng  chính phủ; nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp toàn quốc. Năm 2014, cô được nhận giải thưởng  Phụ  nữ  Việt  Nam; năm 2015, là đại biểu chính thức được dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Năm 2016, cô Nguyện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

banthiduakhenthuongTW

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video