Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về giải phóng phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới

27/01/2010
Vấn đề bình đẳng giới là lĩnh vực xã hội rất quan tâm, đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào những thành tựu về đảm bảo và thúc đẩy các quyền của phụ nữ. Các quy định cụ thể trong Luật Bình đẳng giới cùng với các quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, chế độ đối với lao động nữ... ngày một kiện toàn đã tạo điều kiện để phụ nữ từng bước thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Bác từng nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân trên toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa".

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan niệm về vấn đề giải phóng phụ nữ rất sâu sắc, thể hiện tính nhân văn, lòng yêu thương con người nói chung và sự quan tâm đặc biệt với phụ nữ nói riêng. Vấn đề phụ nữ trong gia đình luôn được Người coi trọng. Bác cho rằng: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng CNXH mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt. Tục ngữ ta có câu: Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”.

Bác cũng chỉ rõ: “Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phần nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà”, đồng thời “phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”. Đối với người phụ nữ cũng cần phải có trách nhiệm, Bác nêu: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh...”.

Bác Hồ đã khái quát những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Những phẩm chất ấy được thể hiện ở sự đảm đang, cần cù chịu khó, hết lòng vì chồng con, gia đình và xã hội. Trong những thời kỳ khác nhau, dù ở nơi đâu và hoàn cảnh nào, phẩm chất đảm đang của người phụ nữ Việt Nam cũng được phát huy mạnh mẽ. Năm 1956, Bác căn dặn các cán bộ phụ nữ toàn miền Bắc “đoàn kết chặt chẽ, ra sức xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới. Là con cháu xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu, chắc chắn các cô sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang ấy”.

Trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh ác liệt, trên mặt trận nông nghiệp, người phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tăng gia sản xuất, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Chị em phụ nữ đã góp phần công sức to lớn của mình trong việc nuôi quân và dân “ăn no đánh thắng” đế quốc Mỹ.

Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, người phụ nữ Việt Nam đã đóng góp hết sức to lớn về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, hàng vạn phụ nữ vươn lên vượt qua khó khăn trong công cuộc chuyển đổi cơ chế quản lý của Đảng và Nhà nước.

Trên bình diện chung, phụ nữ đã đạt nhiều thành quả trong lao động cho mình, cho gia đình và cho toàn xã hội. Nhiều tấm gương phụ nữ lao động giỏi, làm kinh tế gia đình đạt được kết quả đáng khen ngợi. Có cả những chị em là những nhà quản lý, nhà kinh doanh và những nhà khoa học có triển vọng... góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Người phụ nữ Việt Nam luôn có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, mạnh dạn trong công việc, trong lao động luôn có sự sáng tạo. Trong điều kiện xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tạo mọi điều kiện để phát huy vai trò của người phụ nữ. Bởi vậy, để làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình, người phụ nữ Việt Nam đã không ngừng đấu tranh khắc phục hậu quả, những hạn chế do chế độ cũ để lại như tư tưởng phong kiến, gia trưởng trong gia đình, trọng nam khinh nữ...

Có thể khẳng định rằng trong điều kiện hiện nay người phụ nữ Việt Nam đã có những sự nỗ lực vượt bậc, khắc phục nhiều khó khăn để tiếp cận tri thức, thành tựu tiên tiến của nhân loại. Trong công cuộc đổi mới, phát triển đã có nhiều phụ nữ có khả năng toàn diện và có nhiều mặt mạnh. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang thực sự cần những người phụ nữ có đủ tư chất để có thể đảm nhiệm những công việc mới, nhiệm vụ mới trong cuộc cuộc xây dựng CNXH.

Ở nước ta, bình đẳng giới luôn là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vai trò của người phụ nữ được thể hiện rõ qua Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị (1993) đã nêu rõ 4 mục tiêu: “Cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của người phụ nữ” và “nâng cao địa vị xã hội của người phụ nữ và nhận thức về quyền bình đẳng của họ”. Cũng trong năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 72/CP về việc củng cố và kiện toàn Ủy ban quốc gia về thập kỷ phụ nữ (thành lập 1985), thành Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Nhà nước ta luôn coi trọng và khẳng định thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu trọng yếu trong chiến lược phát triển. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn Luật Bình đẳng giới. Đây là một bước tiến mới thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Vấn đề bình đẳng giới được đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới. Trên thực tế hiện nay, người phụ nữ Việt Nam đang ngày được quan tâm, khoảng cách giới trong các lĩnh vực dân số, giáo dục, đào tạo, lao động việc làm, sức khỏe gia đình... đều được cải thiện đáng kể. Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X đã xác định mục tiêu: “Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, bình đẳng, phát triển, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước”.

Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật, chính sách của nhà nước để tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ vì mục tiêu bình đẳng, phát triển, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ.

Trong xu thế phát triển của đất nước, bối cảnh nền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hiện nay, cùng với những thuận lợi, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã và đang tạo điều kiện cho người phụ nữ có thể phát huy toàn diện thế mạnh, tiềm năng của mình để cống hiến nhiều hơn và hiệu quả hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, người phụ nữ ngày càng có một vai trò và địa vị quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước với những ưu điểm và phẩm chất vốn có của mình, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, họ có thể thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng đã chỉ lối. Người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XXI sẽ có một vị trí và tầm cao mới. Họ sẽ chung tay góp sức vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng nên một Việt Nam mang diện mạo mới “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã căn dặn.

Quản Hoàng Linh
Theo Báo Giáo dục và Thời đại

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video