Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga - Valentina Matviyenko: Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất xứ sở Bạch Dương

04/04/2013
Ngày 4/3 vừa qua, bảng xếp hạng 10 phụ nữ có ảnh hưởng nhất nước Nga đã được công bố với vị trí dẫn đầu thuộc về Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko.

Đây là danh sách được bầu chọn bởi 4 cơ quan truyền thông hàng đầu của Nga, bao gồm Đài Phát thanh Ekho Moskva, hai hãng thông tấn Interfax - RIA Novosti và tạp chí Ogonyok. Theo đó, bà Valentina trong hai năm liên tiếp đã đứng đầu danh sách quan trọng này. Trở thành tên tuổi quen thuộc trong giới chính khách và cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía người dân.

Người làm thay đổi bộ mặt thành phố

Xuất thân ở Ukraina và được đào tạo trở thành một nhà hóa học, bà Valentina Matviyenko đã nỗ lực leo dần trên bậc thang chính trị. Bà tham gia chính trường từ năm 1985 khi giữ chức Bí thư thứ nhất của Đảng bộ Ủy ban quận Krasnogvardeysky thuộc thành phố Leningrad (tên cũ của Saint Peterburg). Từ năm 1991-1998, bà phục vụ trong ngành ngoại giao và giữ nhiều vị trí trọng yếu như Đại sứ Nga tại Malta (1991-1995), Đại sứ Nga tại Hy Lạp (1997-1998). Ngày 24/9/1998, bà được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng Nga phụ trách công tác xã hội.

Bà từng từ chối khi được đề cử tham gia tranh cử tổng thống, nhưng lại quyết tâm ra tranh cử chức thống đốc Saint Peterburg năm 2003. Chiến thắng đối thủ nặng ký trong cuộc bầu cử với 63% số phiếu ủng hộ, bà đã chính thức trở thành người đứng đầu thành phố Saint Peterburg vào ngày 21/9/2003.

Nữ Thống đốc đã thực hiện ngay những chương trình khiến uy tín thêm gia tăng: như việc tăng thu nhập tài chính của thành phố lên gấp đôi (nhờ nâng giá cho thuê nhà), giảm đáng kể tỉ lệ tội phạm, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông, và đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh G8 ngày 15/7/2006. Năm 2008, Forbes xếp bà vào vị trí số 31 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Nổi tiếng với những thành quả xây dựng xã hội như vậy nên Valentina Matviyenko cũng nhanh chóng trở thành mục tiêu của những thành phần quá khích. Ngày 3/3/2007, những người biểu tình tập trung rất đông bên ngoài đại lộ Nevsky Prospekt yêu cầu bà từ chức. Thực chất đây là hoạt động chống phá của một số đảng nhỏ đối lập, bất mãn với sự thành công của Valentina. 

Bà Valentina tuyên bố sẽ dẹp yên mọi phần tử quá khích để bảo đảm an ninh cho toàn thành phố đặc biệt là trước khi diễn ra cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp thành phố vào ngày 11/3/2007. Việc này dẫn tới việc bà bị ám sát hụt diễn ra sau đó gần 2 tháng. Tháng 5/2007, bà suýt bị một nhóm thanh niên ám sát bằng thuốc nổ và lựu đạn. Rất may là lực lượng an ninh Nga đã phát hiện và tóm gọn nhóm thanh niên quá khích này. Cũng từ đó, công tác bảo vệ Valentina Matviyenko được chú trọng hơn với đội ngũ vệ sĩ có mặt 24/24 giờ, tháp tùng bà trong từng chuyến đi.

Valentina Matviyenko cũng gặp phải khá nhiều rắc rối khi bị người dân Saint Petersburg gọi là "kẻ phá hoại"  di tích quốc gia.  Valentina rất hào hứng ủng hộ xây dựng trung tâm thương mại Gazprom, thế nên bà đã thay đổi một số điều luật về giới hạn chiều cao cho phép khi thi công các khu nhà cao tầng để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Cuối cùng, bà buộc phải di dời khu thương mại Gazprom ra vùng ngoại ô để trả lại vẻ đẹp truyền thống cho thành phố theo đúng những gì người dân yêu cầu. 

Mong muốn sự minh bạch và chống tham nhũng

Theo giới truyền thông, sau khi trở thành Phó thủ tướng phụ trách công tác xã hội và đặc biệt là sau khi đắc cử Thống đốc Saint Petersburg, tên tuổi của Valentina Matviyenko luôn trở thành đề tài nóng trong giới chính khách. Giới truyền thông cũng từng ví Valentina giống như Margaret Thatcher hay Angela Merkel của nước Nga.

Tháng 8/2011, nhận được sự hậu thuẫn lớn từ ông Dimitry Medvedev và Vladimir Putin, bà Valentina trở thành ứng viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga. Kết quả bầu cử không gây bất ngờ dư luận khi 140 thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận, trong khi chỉ cần 84 phiếu là đủ, không có phiếu chống và chỉ có 1 phiếu trắng.

Valentina Matviyenko chính thức nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga vào ngày 21/9/2011, trở thành nữ chính trị gia nắm quyền cao nhất ở Nga kể từ thời của Nữ hoàng Catherine vĩ đại vào thế kỷ XVIII. Là một người theo tư tưởng tiến bộ, lại có thời gian làm việc lâu năm cùng ông Vladimir Putin, bà là một trong những chính trị gia đứng đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Bà rất thích sự minh bạch và xây dựng lại hệ thống luật pháp để hoạch định giúp cho việc chống tham nhũng được hiệu quả. Mọi cuộc họp đều được đăng tải chi tiết nội dung trên mạng Internet. Bà còn thành lập một đường dây nóng để những người muốn ẩn danh báo cáo các vụ tham nhũng, nhận hối lộ và các hình thức khác của tham nhũng.

Valentina Matviyenko cũng nhanh chóng tuyên bố muốn làm một cuộc cách mạng ở Hội đồng Liên bang để bộ máy chính quyền phù hợp với những yêu cầu cao hơn xuất phát từ lợi ích chính đáng của các địa phương trên cả nước. Theo bà, Hội đồng Liên bang không được tham gia vào chính trị, mà phải tập trung nâng cao hoạt động để bảo vệ lợi ích các vùng"

Theo antg.cand.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video