Chủ tịch Hội xông xáo

19/07/2008
Thời kháng chiến, chị Cao Lệ Anh trưởng thành từ Làng Rừng Khánh An. Hiện tại, là thương binh 4/4, nhưng chị là một cán bộ tâm huyết, nhiệt tình với chịng việc ở tổ, khóm và đặc biệt là Hội tù chính trị Phường 5.

Chị là người đi đầu, tập hợp những chiến sĩ từng bị tù đày trên địa bàn phường, thành lập Ban liên lạc. Từ những ngày đầu gây dựng Hội, chị là Trưởng ban liên lạc, và hiện nay là Chủ tịch Hội tù chính trị của Phường 5. Ngoài ra, chị còn đóng góp tích cực trên các lĩnh vực khác của khóm,  phường: Hội LHPN, Mặt trận, Hội Người cao tuổi, Tổ tự quản…

Cuộc đời chị là một quá trình công tác dài, từ thời chiến sang thời bình. Sinh năm 1942. Năm 1954, dù còn nhỏ tuổi, chị cũng tích cực cùng những thành viên trong Ban tiếp tế đan áo len cho những người đi tập kết. Đến năm 1956, lãnh đạo thiếu nhi và đoàn vũ xã Nguyễn Phích, sau đó làm giao liên và bắt đầu chuyển vào rừng hoạt động bí mật, công tác liên tục ở Làng Rừng Khánh An (huyện Trần Văn Thời - thuộc U Minh ngày nay). Từ 1956 đến 1960, chị là giáo viên phổ thông, dạy học trong Làng Rừng. Năm 1961, chị làm trong  Tổ giao liên và là Tổ trưởng đội Văn nghệ Làng Rừng. Trong một đợt địch đổ quân, càn quét Làng Rừng ngày 5-6-1963, chị bị bắt trên đường đi dạy học về, lúc đang chạy vào rừng, chỉ kịp cầm theo một cần câu và một nọc cấy lúa. Lúc bọn giặc dồn nhét những người bị bắt lên trực thăng, một bà mẹ chiến sĩ tên Bùi Thị Dậu đã nhào lên trực thăng kéo chị xuống và nhanh trí nói giúp: Nó còn nhỏ, đi câu cá, cấy lúa mướn với tôi, mấy ông bắt làm chi, về nhà, tui biết nói làm sao với cha mẹ nó…Chị nhớ mãi hình ảnh bà mẹ đó quẳng cho chị bộ độ vải xiêm khi bọn giặc giằng chị ra khỏi tay mẹ.

Ở tù chỉ hơn 4 tháng, nhưng đó là khoảng thời gian “nhớ đời”, khắc cốt ghi tâm của chị. Chúng bắt được chị, bộ quần áo bết sình trên người chưa ráo nước chị đã bị đánh đập, hành hạ. Ngày vào Đoàn, chị được đặt bí danh là Tư Hồng, chị cũng được chuẩn bị liên hệ sẵn với một số gia đình nòng cốt, để hễ bị bắt còn có chỗ hợp pháp mà khai. Thế nhưng những ngày tù ngục vẫn là những ngày khủng khiếp nhất, phải chiến đấu trực tiếp trong từng lời nói. Thời đó, những người tù chính trị được coi là những người từ cõi chết trở về. Họ được rèn luyện trong lò lửa chiến tranh, bản lĩnh vững vàng, họ có một khẩu hiệu chung:Tam không (không nghe, không biết, không thấy). Chúng đánh chị bể đầu, tra điện thương tích đầy mình chị chỉ quyết: còn nhỏ, không biết gì cả, chỉ đi câu cá và cấy lúa mướn. Ở tù, chị cố gắng chịu đựng cực hình, không khai báo, với tâm nguyện dù có chết cũng phải chết làm sao cho xứng đáng, chết làm sao phải tránh bớt liên lụy cho đồng chí, đồng đội. Chị tâm sự: bị bắt, bị đánh, bị hành hạ bằng nhiều cực hình dã man, nhưng nỗi đau đớn về thể xác không bằng nỗi đau về tinh thần. Chị đau nhất, thù nhất là câu nói của bọn chúng: là con gái, còn trẻ thế này vào rừng làm gì, chắc đi theo “phục vụ” Việt cộng.

Trưởng thành từ làng rừng Khánh An

Hơn 4 tháng chịu cảnh tù ngục, trở về, chị được điều trị một thời gian và tiếp tục công tác. Tháng 7-1963 đến 10-1965, là Phó tiểu ban giáo dục, Bí thư chi đoàn Làng Rừng, sau đó làm Trưởng ban giáo dục xã Khánh An. Năm 1966, chị lập gia đình. Đó là kết quả của một cuộc tình lận đận, hai người yêu nhau 8 năm mới cưới, không bao lâu sau chồng chị cũng hy sinh. Một mình chị phải vất vả nuôi người con trai duy nhất trong điều kiện chiến tranh ác liệt, vừa phải công tác liên tục địa bàn. Anh Trung, con trai chị nói vui: không biết mẹ tôi có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn thời đó, chứ tôi thì nhiều ấn tượng lắm. Hễ mỗi lần mẹ tôi chuyển công tác, là tôi phải nghỉ học, chuyển trường, đi theo mẹ. Thời ở Làng Rừng, chị có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Tên cha mẹ đặt là Cao Huỳnh Anh, nhưng vì vào Làng Rừng chị hay khóc nên mới có tên là Cao Lệ Anh. Đội nữ trong Chi đoàn Quyết thắng của chị cái gì cũng làm được. Chị nói riêng và cả cánh phụ nữ nói chung đều cố gắng hết mình để không thua kém nam giới: hát hay múa giỏi, vào rừng cưa củi, lấy mật, bện đăng, chằm nón… kiếm tiền. Hồi ở trong đội tuyên truyền vũ trang, các chị cũng cắm chông, làm chướng ngại vật, phá ấp chiến lược, bao vây đánh đồn Cái Tàu, Xẻo Tràm, Xẻo Tre, Khai Hoang… Những năm 73-75 đói khổ, thiếu thốn, phải ăn bí tiếp tế, bồn bồn… các chị vẫn xông xáo, đoàn kết, khiến nam giới phải nể phục.

Hòa bình, chị vẫn miệt mài làm việc, tham dự nhiều khóa học để tiến bộ hơn trong công tác. Chị từng là ủy viên thư ký Ủy ban xã Khánh An, thẩm phán Tòa án Nhân dân huyện U Minh, rồi chuyển về Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban tổ chức Tỉnh ủy. Chị vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Kỷ niệm chương ngành Nội chính, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Kỷ niệm chương Tù chính trị, Bằng khen cho Trưởng Ban liên lạc tù binh - tù chính trị Phường 5, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...

Tuy nghỉ hưu năm 1991, nhưng chị vẫn làm việc không ngừng cho đến nay, với quan niệm: Là đảng viên, phải gương mẫu… Hệ lụy của những ngày tù tội là sự đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, chị bảo mình có lúc mình không được “thiệt tính” cho lắm. Không thể tự lái xe được, cộng với sức khỏe yếu, thế nhưng chị rất ít khi được ở nhà. Nhiệm vụ trên giao, dù khó khăn, chị đều cố gắng hoàn thành. Ở Hội người cao tuổi thì tổ chức cho tất cả những người trên 60 tuổi vào hội, tập dưỡng sinh… rèn luyện để sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Trong Tổ Tự quản thì cũng lắm việc: điều tra tình hình dân số, tình hình phổ cập giáo dục, mời họp xét tư cách người tham gia ứng cử, đôn đốc đóng thuế, thu các loại quỹ trong tổ…

Đáng ghi nhận nhất là công lao rất lớn của chị đóng góp cho Hội tù chính trị ở Phường 5. Gần như mọi nơi trên địa bàn Phường 5 đều không xa lạ với chị. Tháng 12-2003, Ban liên lạc được thành lập, lúc đó danh sách tù chính trị của cả phường chỉ có 11 người. Ban liên lạc do chị làm Trưởng ban đã hoạt động liên tục, số hội viên do chị tập hợp, kết nạp vào hội cứ tăng dần, hiện nay là 69. Ban liên lạc ban đầu phát triển thành Hội tù chính trị Phường 5, và chị được bầu làm Chủ tịch cho đến nay. Những lúc con trai bận đi làm, không chở giúp được, chị phải đi bộ, đi xe ôm đến nhà hội viên thăm nom, động viên...để tập hợp, chia sẻ, giúp đỡ hội viên - những người đồng cảnh ngộ tù tội ngày xưa, để họ có một tổ chức sinh hoạt, có một chỗ dựa tinh thần, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, phần nào vơi bớt nỗi đau thể xác do di chứng đau đớn của tháng ngày tù ngục gây ra.

TÂM HẢO
Cà Mau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video