Chú trọng cơ hội bình đẳng để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau

13/08/2019
Sáng 12/8 tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế đã tổ chức Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TƯ về Công tác dân tộc và Chỉ thị số 45-CT/TƯ về một số công tác ở vùng dân tộc Mông chủ trì hội thảo.

Cùng dự có các UV TW Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận TW Điểu K'ré, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; gần 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức nghiên cứu, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các nhà khoa học, quản lý, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Dân vận TW Trương Thị Mai nhấn mạnh, 15 năm qua, việc ban hành, thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả tích cực. Ở nhiều vùng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tỷ lệ nghèo giảm dần; đồng bào có cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, thay đổi sinh kế, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ công tăng lên…; khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng đồng bằng đô thị được rút ngắn dần. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước...

Tuy nhiên, gần đây, một số hoạt động khảo sát, nghiên cứu nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu, các bằng chứng thực tiễn phục vụ công tác hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở vùng DTTS đã chỉ ra một số vấn đề giới ở vùng DTTS đang nghiêm trọng hơn so với vấn đề giới nói chung ở Việt Nam, rất cần được quan tâm giải quyết. Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái đang là đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình; Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới/giới tính và dân tộc đang có ảnh hưởng phổ biến…

 Ảnh minh họa

Từ trái qua: viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cùng đại biểu tham dự hội thảo (ảnh PNVN)


Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cũng nêu ra những khoảng trống về chính sách với những con số biết nói về thực trạng tỷ lệ phụ nữ DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp (chỉ khoảng 6%, bằng 1/3 so với dân tộc Kinh); tỷ lệ phụ nữ kết hôn dưới tuổi 18 còn cao (có vùng lên tới 50%); bạo lực gia đình ở hộ gia đình DTTS trầm trọng hơn so với hộ gia đình người Kinh - tỷ lệ bạo lực thể chất và/hoặc bạo lực tình dục ở các nhóm DTTS ở mức khoảng 35%... Nhiều phụ nữ DTTS cho rằng chồng đánh đập vợ vì các lý do khác nhau là chấp nhận được; phụ nữ DTTS chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng DTTS… Và, với những định kiến giới đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái DTTS luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Họ đang phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng kép cả về dân tộc và giới. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn...

 Ảnh minh họa

Đại biểu phát biểu tại hội thảo 


Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại”, những vấn đề về phụ nữ DTTS và bình đẳng giới ở vùng DTTS càng cần được quan tâm đặc biệt.Các đại biểu tham gia hội thảo đã tham luận về kết quả nghiên cứu về chính sách đối với DTTS thiểu số; phân tích các chính sách hiện hành, đề xuất sửa đổi những bất cập của chính sách ở vùng DTTS nói chung và chính sách, đặc biệt là cơ hội bình đẳng đối với phụ nữ DTTS nói riêng; đề xuất, kiến nghị với Trung ương điều chỉnh chính sách vùng dân tộc thiểu số bảo đảm bình đẳng giới đối với phụ nữ DTTS…

 Một số điểm đáng chú ý về khoảng trống chính sách đối với phụ nữ DTTS được đề cập tại hội thảo:

(1) Sự thiếu hụt về lồng ghép giới trong các chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS;

(2) Về giáo dục, chưa có chính sách ưu tiên đối với các em học sinh nữ vào các trường dự bị đại học hay trung học chuyên nghiệp trở lên đối với một số dân tộc đặc biệt khó khăn hoặc dân tộc có dân số rất ít người chưa có lực lượng lao động chất lượng cao;

(3) Về y tế, chính sách về dinh dưỡng đặc thù đối với bà mẹ và trẻ em DTTS vẫn chưa được thực hiện, chưa có chính sách đặc thù có nhạy cảm giới đối về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe vị thành niên đối với phụ nữ và trẻ em gái DTTS;

(4) Về trợ giúp pháp lý và quyền được tiếp cận thông tin, các chính sách hiện hành còn bỏ ngỏ và chưa quan tâm đúng mức, chưa có tính đặc thù đối tượng là nữ và ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn; 

    (5) Về sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng và thực hiện chính sách, cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn nhân lực cán bộ nữ DTTS trong hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị xã hội…

 

Phạm Hiền, Ban DTTG

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video