Chú trọng giáo dục kỹ năng sống giúp các em học sinh biết tự bảo vệ mình

27/10/2017
Đó là lời đề nghị của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết tại Chương trình truyền thông tuyên truyền về phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an (Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch 01) chủ trì tổ chức diễn ra tại thành phố Lào Cai sáng 27/10.

Sự kiện có sự tham gia của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết; Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cùng hơn 1000 giáo viên, học sinh trường THPT số 1 TP Lào Cai.

Thông tin tại chương trình cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm trên toàn quốc nói chung và ở Lào Cai nói riêng tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tính chất nghiêm trọng và có dấu hiệu trẻ hóa. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật do thanh thiếu niên gây ra có biểu hiện gia tăng, nhất là tình trạng bạo lực học đường, tụ tập thành băng nhóm sử dụng ma túy, sử dụng hung khí đâm chém, giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, mua bán người, gây rối trật tự công cộng...

Số liệu thống kê từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có trên 80 trẻ em bị xâm hại, 82 vụ vi phạm pháp luật với 79 đối tượng là trẻ em lứa tuổi vị thành niên gây ra. Bên cạnh đó, tệ nạn ma túy xảy ra trong giới trẻ với nhiều loại ma túy mới như ma túy đá, ma túy tổng hợp, tem giấy, lá khát, cỏ Mỹ… đã gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng cho bản thân các em, gia đình, nhà trường và xã hội. Lào Cai cũng là điểm nóng của tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em, mà nhiều trường hợp thủ phạm lại chính là học sinh, thiếu niên, do thiếu hiểu biết nên bị lợi dụng, tiếp tay cho kẻ xấu…

Phát biểu tại chương trình truyền thông, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết đánh giá: “Những vấn đề nóng trên xuất phát từ việc các em thiếu những hiểu biết pháp luật cơ bản, thiếu những kỹ năng thiết yếu để ứng phó với tội phạm cũng như những cám dỗ từ các tệ nạn xã hội. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng ảnh hưởng không nhỏ, trong đó có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ”.

 Ảnh minh họa

 Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết đề nghị các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Lào Cai tăng cường phối hợp, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho các em

Cùng với đó, một nguyên nhân quan trọng là, trong xã hội hiện đại bận rộn, bố mẹ mải làm ăn kiếm tiền, các em thiếu đi sự quan tâm, sát sao của gia đình. Công tác phối hợp trong giáo dục, quản lý học sinh giữa gia đình, nhà trường, xã hội còn thiếu chặt chẽ, thường xuyên.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Nghị quyết Liên tịch 01, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết đề nghị các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Lào Cai tăng cường phối hợp, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho các em để các em có ý thức đề phòng, không bị dụ dỗ, lôi kéo sa vào tệ nạn xã hội, cũng như biết cách tự bảo vệ mình trước những loại tội phạm.

“Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ gắn kết giữa 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, cùng mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm, tạo sức mạnh thúc đẩy quá trình phát triển của các bạn trẻ, định hướng cho các em những giá trị tốt đẹp về nhân cách, có ước mơ, hoài bão, lý tưởng sống vì bản thân, gia đình và cộng đồng”- Phó Chủ tịch Hội nhấn mạnh.

 Ảnh minh họa

 Các em học sinh háo hức tham gia chương trình truyền thông


Diễn ra ấn tượng, hấp dẫn với 5 tiết mục tiểu phẩm do chính các thày cô giáo và các em học sinh trường THPT Lào Cai 1 dàn dựng công phu, biểu diễn rất nhập vai, sáng tạo, chương trình đã thực sự thành công khi thu hút sự tham gia, cổ vũ nhiệt tình của các em học sinh.

 Ảnh minh họa

 Tiểu phẩm của học sinh trường PTTH Lào Cai 1 về chủ đề mua bán phụ nữ, trẻ em


Các tiểu phẩm xoay quanh các chủ đề gần gũi, phản ánh đúng những vấn đề đang diễn ra trong xã hội, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới các em hiện nay như: tình bạn, tình yêu tuổi học trò và tình trạng bạo lực học đường; bị rủ rê, lôi kéo nghiện ma túy, chất gây nghiện tổng hợp, bóng cười, cỏ Mỹ; mạng xã hội và những tác động, ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến nhiều hệ lụy; tình trạng ham chơi, lười học, bị lừa trở thành nạn nhân của mua bán người; bị xâm hại tình dục...

 Ảnh minh họa

 Tiểu phẩm có chủ đề ma túy trong học đường


Những thông điệp có tính cảnh báo, giáo dục sâu sắc đã được chuyển tải tới các em một cách tự nhiên; những kiến thức, thông tin bổ ích, kỹ năng cụ thể đến với các em thông qua những tình tiết sinh động, giúp các em dễ dàng nhận biết, ghi nhớ để biết cách tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy của tệ nạn xã hội và các loại hình tội phạm khác nhau.

 Ảnh minh họa

 Các em tham gia chương trình giao lưu, trả lời các câu hỏi tìm hiểu về những biểu hiện của các tệ nạn xã hội


 Ảnh minh họa

 PCT Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết và Trung tướng Đỗ Kim Tuyến trao phần thưởng cho các đội dự thi



Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về giáo dục, quản lý con em, người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội (Nghị quyết liên tịch số 01) thời gian qua đã được hai ngành triển khai với nhiều hoạt động thiết thực.
Một số tỉnh/thành phố đã xây dựng được mô hình tiêu biểu gắn kết vai trò của gia đình với nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục con em, học sinh. Điển hình như mô hình “Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn” tại TP Đà Nẵng nhằm cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên tránh xa ma túy; mô hình “Phòng, chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên” tại tỉnh Đồng Tháp kịp thời can thiệp, hỗ trợ các em phòng, chống vi phạm pháp luật và TNXH; CLB “Phòng, chống mua bán phụ nữ trẻ em” tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai góp phần cải thiện tình trạng phụ nữ và trẻ em bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân...


VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video